Đồng Nai: Tiềm năng dồi dào cho phát triển nông nghiệp

1 năm trước 111

Vùng đất lành để phát triển

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, là một tỉnh lớn thuộc vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý – kinh tế, là cửa ngõ phía Đông Bắc của TP Hồ Chí Minh, nối Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam bộ, thuận lợi cho việc giao thông vận chuyển hàng hóa với cả thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu.

Tỉnh Đồng Nai có trên 287.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 7.600 ha nuôi trồng thủy sản, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với việc sản xuất nhiều loại nông sản khác nhau. Đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn trái nhiệt đới có giá trị kinh tế cao. Khí hậu ôn hòa, tài nguyên nước dồi dào, đáp ứng đủ cho sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, các loại cây trồng trong tỉnh khá đa dạng, phong phú với 15 loại cây trồng hàng năm, 9 loại cây lâu năm, riêng cây ăn quả có khoảng 11 loại khác nhau; có nhiều loại có quy mô lớn, chất lượng cao nổi tiếng cả nước.

Ngành chăn nuôi phát triển mạnh với khoảng 2,56 triệu con lợn; 27,5 triệu con gà. Sản lượng thịt hàng năm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh và là nguồn cung cấp chính cho thị trường tiêu dùng TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận. Chăn nuôi trang trại công nghiệp phát triển mạnh là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững trong thời gian qua, hiện trên địa bàn có một số doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô lớn như: Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam; Công ty TNHH JAPPA Việt Nam; Công ty cổ phần GreenFeed - Chi nhánh Cẩm Mỹ; Công ty TNHH Sunjin ViNa; Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tám Do;... tổng đàn heo, gà của các doanh nghiệpFDI chiếm tỷ lệ tương đối cao (46% đối với heo, 33% đối với gà).

Vê nuôi trồng thuỷ sản, mặc dù là tỉnh nằm trong vùng nội địa, không giáp biển, nhưng với diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam bộ, rất thuận lợi cho nuôi thủy sản phát triển. Tổng diện tích mặt nước khoảng 63 ngàn ha, gồm 59 ngàn ha nước ngọt và khoảng 4 ngàn ha nước lợ. Tổng diện tích có tiềm năng nuôi thủy sản của tỉnh là 48,3 ngàn ha (diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 35,7 ngàn ha, trong đó: nước ngọt: 33,9 ngàn ha và nước lợ: 1,8 ngàn ha).

Diện tích đất lâm nghiệp có rừng khoảng 171 ngàn ha (chiếm khoảng 30% diện tích đất tự nhiên của tỉnh); công tác phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 29% và tỷ lệ che phủ cây xanh 52%.

Về hình thức tổ chức sản xuất, có 185 hợp tác xã nông nghiệp, gần 2.200 trang trại, với tổng diện tích sản xuất gần 8.500 ha, 155 doanh nghiệp hoạt động  trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ có liên quan đến nông nghiệp.Về chế biến, có trên 260 doanh nghiệp hoạt động sơ chế, chế biến thực phẩm với các sản phẩm chủ yếu là thức ăn chăn nuôi, sản phẩm sau khi giết mổ, sản phẩm trái cây sấy, chế biến cà phê, hạt điều.

Đồng thời với việc phát triển nông thôn mới, Đồng Nai cũng luôn khẳng định vị thế là tỉnh đi đầu trong xây dựng. Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 77 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu ban đầu tỉnh đặt ra; năm 2019, tỉnh vinh dự là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. 

Đồng Nai cũng là một trong 4 tỉnh của cả nước được Trung ương chọn thực hiện thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu (huyện Xuân Lộc nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững); đến nay tỉnh có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 20 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận. Hình thành nhiều mô hình, tuyến đường, khu dân cư có cảnh quan nông thôn sáng xanh sạch đẹp an toàn vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, vừa tạo tiền đề, điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

Chú thích ảnhLãnh đạo tỉnh Đồng Nai tham quan các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của trên địa bàn.

Tiềm năng phát triển lớn về nông nghiệp

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ giảm mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ nông thôn, giảm mạnh tỉ trọng nông nghiệp, điều này phù hợp với xu thế phát triển. Tuy tỉ trọng nông nghiệp giảm, nhưng giá trị sản xuất trên 1ha và thu nhập nông dân phải tăng so với giai đoạn trước.

Thời gian qua, mặc dù là một tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn đạt nhiều thành quả ấn tượng trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như nằm trong top đầu của các tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước; thuộc top đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn… Từ đó, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị. 

Đồng thời, nông nghiệp Đồng Nai còn tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường nông sản. Xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng, vừa sản xuất nông sản hàng hóa, vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái và tạo cảnh quan môi trường tốt đẹp cho con người; nông sản phải được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, từ chọn, tạo, sản xuất giống đến sản xuất và chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Theo ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, mục tiêu trong phát triển nông nghiệp giai đoạn mới gồm nhiều nội dung như: Tạo sự đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng các chuỗi giá trị chế biến; xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái... Từng địa phương sẽ xác định đâu là điểm đột phá, đổi mới, nguồn lực, lợi thế riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nhiều loại trái cây ở Đồng Nai cũng đã có kế hoạch thực hiện thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, cụ thể như trái bưởi, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này, đến năm 2025, mục tiêu đặt ra toàn tỉnh sẽ có 22 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 1,7 nghìn ha cây bưởi. Đây là một trong số những cây trồng chủ lực có diện tích lớn của Đồng Nai với hơn 9.958ha. Về sản lượng, chỉ tính riêng diện tích bưởi đã cho thu hoạch đạt trên 18,3 nghìn tấn/năm.

Đồng Nai cũng đang chuyển hướng sang sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ được chú trọng đẩy mạnh. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt tối thiểu 80%.

Khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, Đồng Nai còn có đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng Tây Nam của tỉnh theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; ứng phó với biến đổi khí hậu... Đề án khuyến khích các loại hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vùng kinh tế này còn chú trọng thu hút đa dạng các loại hình kinh tế tham gia liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI. Chính vì vậy, Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây cũng là hướng đi phù hợp được nông dân tích cực tham gia vì là giải pháp giảm chi phí sản xuất khi các loại phân, thuốc hóa học tăng giá gấp nhiều lần so với trước. Nông dân cũng ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp sản xuất để ra sản phẩm an toàn, chi phí rẻ có thể ứng dụng đại trà.

Với mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% trên tổng diện tích đất nông nghiệp, tương đương với khoảng 33 nghìn ha; Đồng Nai còn quan tâm hỗ trợ, vận động nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Toàn tỉnh hiện có 1.667ha cây trồng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương. Chủng loại cây trồng được chứng nhận GAP rất đa dạng như: Hồ tiêu, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, xoài, nấm, các loại rau ăn lá, rau ăn quả… Nhiều vùng sản xuất GAP đã xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm trồng trọt đạt chuẩn an toàn.

Nguồn bài viết