Quảng Ninh: Lên kế hoạch vận chuyển đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp bằng

1 năm trước 66
Chú thích ảnhQuảng Ninh lên các phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm nguồn vật liệu san lấp mặt bằng. Ảnh tư liệu: Trung Nguyên/TTXVN

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy vừa chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất nạo vét luồng tuyến sông Diễn Vọng đoạn từ cảng Làng Khánh ra vịnh Cửa Lục (thành phố Hạ Long) và các thủ tục cấp phép bến cảng tạm tại các dự án có nhu cầu sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng. Việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng ở các dự án hạ tầng đô thị là một chủ trương lớn của tỉnh Quảng Ninh bắt đầu được thực hiện từ cuối năm 2022.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, để triển khai nhanh việc sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) căn cứ vào vị trí, địa điểm đã được quy hoạch chủ động phối hợp với các sở, ngành, nhà đầu tư có nhu cầu khai thác đất đá thải mỏ, lập hồ sơ báo cáo xin cấp phép Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Ban Quản lý Khu Kinh tế khẩn trương làm việc với chủ đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rà soát xác định nhu cầu sản lượng đất đá thải; kêu gọi đầu tư tuyến băng tải từ chân bãi thải Bắc Bằng Danh đến Cảng Làng Khánh bằng nguồn xã hội hóa. Sở Xây dựng nghiên cứu cụ thể xây dựng đơn giá, phương án vận chuyển phù hợp, hiệu quả nhất.

Hiện nay, trung bình mỗi năm lượng đất đá bóc xúc, đổ thải của các đơn vị ngành than đạt trên 150 triệu m3, trên tổng diện tích bãi thải khoảng 4.000 ha. Trong quá trình khai thác than lộ thiên hàng chục năm qua tính riêng TKV đã bóc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m3. Đến thời điểm này, phần lớn các bãi thải đạt cốt cao 200 - 300 m, trữ lượng huy động khoảng 1,2 tỷ m3. Việc phát sinh khối lượng đất đát thải lớn hàng năm dẫn đến áp lực về diện tích đổ thải, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.

Trong khi đó, trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m3 đất đá làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng hơn 1 tỷ m3. Thực tế hiện nay, nhiều dự án, công trình trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh đang thiếu nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng.

Tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu TKV và Công ty Chế biến Than Quảng Ninh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để được khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp.

Năm 2022, TKV đã khai thác được 19.000 m³ đất đá thải tại bãi thải mỏ Suối Lại phục vụ san lấp mặt bằng dự án cầu Cửa Lục 3. Hiện nay, trữ lượng đất đá thải mỏ khu vực bãi thải mỏ Suối Lại còn khoảng 3,5 triệu m³. Riêng bãi thải Bắc Bằng Danh, dự kiến đến năm 2025 trữ lượng đất đá thải đạt trên 200 triệu m³.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý cho khai thác thu hồi, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu tấn, đang được khai thác sử dụng hiệu quả phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn. Đó là các bãi thải: vỉa 14 cánh Tây của Công ty cổ phần than Núi Béo và bãi thải Suối Lại thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; bãi thải Khe Sim - Tây Lộ Trí và bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc.

Việc đưa vào khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại 4 bãi thải trên đã bước đầu giải quyết được nhu cầu về vật liệu san lấp của một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: dự án cầu Cửa Lục 3 (bãi thải Suối Lại); dự án khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II (bãi thải Tây Khe Sim- Tây Lộ Trí); dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (bãi thải Nam Tràng Bạch).

Nguồn bài viết