Những điểm cực tiền tiêu

2 năm trước 280
Chú thích ảnhSa Vỹ, điểm cực Đông Bắc ở Trà Cổ (Quảng Ninh).

Điểm cực Đông Bắc Sa Vỹ (Trà Cổ) có vẻ đẹp của một vùng trời biển bao la. Bên cửa sông Bắc Luân, khi nước xuống, doi cát có hình uốn lượn như đuôi rồng, điều làm nên tên gọi Sa Vỹ. Bãi biển ở đây còn nhiều vẻ nguyên sơ. Vành đai phòng thủ biên giới chạy dọc theo mép biển. Công trình ghi dấu cho mảnh đất này được thiết kế với những hình tượng lá dương vút lên cao, liền bên những dòng thơ quen thuộc của nhà thơ Tố Hữu: “... Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước...”. Sát bên đường là cột cây số ghi một địa danh và con số: "Cà Mau 3280 km". Dọc theo chiều dài ấy là bao làng mạc sông núi Việt Nam, “mảnh đất mang dáng hình con gái/ đòn gánh trên vai thương nhớ hai đầu”.

Trong lần trở lại Sa Vỹ mùa hè năm ngoái, tôi và nhà báo Ngô Hà Thái có chương trình đi đến các điểm cực của đất nước. Trong một năm dịch bệnh rập rình, rất may là chúng tôi đã kịp cùng nhau thực hiện chương trình ấy .

Chú thích ảnhTác giả (thứ 2, từ phải sang) cùng với các nhà báo Nguyễn Tiến Lễ (ngoài cùng, bên phải), Lê Duy Truyền (ngoài cùng, bên trái) và Ngô Hà Thái.

Tháng 10/2020, vào dịp Thông tấn xã Giải phóng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, cùng với các nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, Lê Duy Truyền, chúng tôi có dịp qua các tỉnh miền Tây rồi về đất Mũi Cà Mau. Tôi đã đến mỏm đất cực Nam một số lần. Lần nào đến đây, cảm giác cũng rất đặc biệt. Những cây đước mặn mòi bám vào nhau chống chọi với sóng gió. Doi đất phù sa màu nâu non, "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, ngày đêm lặng lẽ sinh sôi. Bầu trời phương Nam trên đầu lộng gió và chan hoà nắng...

Trước đây, muốn ra đất Mũi chỉ có thể đi đò hay xuồng máy. Con đường nhỏ ra doi đất cuối cùng xuyên qua rừng đước rậm rạp. Ngày nay, đất Mũi là điểm du lịch thu hút khách. Xe ô tô chạy thẳng từ thành phố Cà Mau đến đây. Khu du lịch có nhà thờ Quốc Tổ, cột cờ lớn mô phỏng hình cột cờ Hà Nội, cột mốc cuối cùng của đường Hồ Chí Minh khởi nguồn từ Pắc Bó... Chúng tôi có thăm những công trình mới, lên tháp cao trên cột cờ ngắm nhìn toàn cảnh đất mũi, ăn bữa cơm đậm đà hương vị phương nam. Khi đi ra những vạt phù sa cuối cùng, tôi bất ngờ gặp những cánh cò trắng giữa sóng to gió mạnh vẫn chao nghiêng trên mặt nước dập dềnh. Ấn tượng ấy tôi đã viết trong bài thơ Cánh Cò Đất Mũi: “Mềm mại ca dao /Mơ màng cổ tích”, “Cánh cò nuôi cái cùng con/ Lặn lội dặm dài đất nước”, "Miền đất từng xém lửa đạn bom /Giặc giã chiến tranh/ Cánh cò vỗ dọc thời gian/Trong trắng ngọc ngà kiêu hãnh"... Và để rồi cảm nhận:

Doi đất phập phồng
Nơi Tổ quốc từng giờ sinh nở
Những con sóng chao mình
Thao thiết một cánh bay

Chú thích ảnhMũi Đại Lãnh và hải đăng Đại Lãnh.

Cột mốc Bờ Y, nơi tiếp giáp của ba nước Việt Nam- Lào- Campuchia mang dấu ấn riêng của lịch sử. Vùng đất “ngã ba Đông Dương” này đã trở thành ký ức không thể quên của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã đi qua đây trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Cuối năm ngoái, cùng các nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, Ngô Anh Văn, chúng tôi đã lên đây sau khi vượt qua nhiều cung đường Tây Nguyên lộng gió.

Từ cửa khẩu Bờ Y, chúng tôi lên cộc mốc tại điểm biên giới chung ở độ cao 1.086 mét so với mặt biển. Các chiến sĩ biên phòng cho biết, trước kia đường lên cộc mốc rất khó đi, gần đây được mở rộng, nâng cấp, thuận tiện hơn nhiều. Xe ô tô chở du khách, khi được phép, có thể đến chân cột mốc.

Chú thích ảnh Bên cột mốc ở Ngã ba Đông Dương.

Không thể quên hình ảnh Ngã ba Đông Dương bốn phương đồi núi trập trùng. Xa xa, cửa khẩu Bờ Y đông đúc người xe qua lại. Phía thị trấn Plei Cần, làng mạc bình yên, đông đúc. Liền ngay bên trạm kiểm soát biên phòng là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn trang nghiêm, trầm mặc. Một vùng đất tiền tiêu của đất nước đang có cuộc sống yên bình sau bao năm chiến tranh khói lửa.

Trong chuyến trở về từ Tây Nguyên, khi dọc theo quốc lộ 1 trên đất Phú Yên, chúng tôi có dịp ghé mũi Đại Lãnh, một trong những điểm cực Đông của Việt Nam nằm trên ghềnh đá thuộc một nhánh của dãy Trường Sơn. Mũi Đại Lãnh, còn gọi là mũi Ngọc, thuộc xã Hoà Tân, huyện Đông Hoà, điểm đón những tia nắng bình minh đầu tiên trên đất liền khi một ngày mới bắt đầu.

Địa điểm này cách đèo Cả không xa và gần Vũng Rô , nơi gắn với những huyền thoại về những con tàu không số trong chiến tranh. Phong cảnh ở Đại Lãnh rất đẹp. Những vách đá uy nghiêm ngày đêm vang vọng tiếng sóng biển. Ngọn hải đăng Đại Lãnh được người Pháp xây dựng vào năm 1890, ở độ cao 110m so với mặt nước biển. Hải Đăng Đại Lãnh là một trong số 45 đèn biển quốc gia đang hoạt động. Những năm gần đây, hạ tầng cơ sở ở Đại Lãnh được nâng cấp, với hệ thống đường và các khu dịch vụ, là một điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước.

Chú thích ảnhQuang cảnh đất Mũi.

Trên bản đồ đất nước, mỏm "Lũng Cú tột bắc", như cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân, là một điểm cực có ý nghĩa đặc biệt. Tôi đã có mặt ở Hà Giang từ những năm chiến tranh biên giới còn dai dẳng, với những hình ảnh về Lũng Cú, Mã Pì Lèng, Xín Cái... và dòng sông Nho Quế in đậm trong ký ức:

Sông như thiên kiếm trao cho núi
Giữ lấy quê hương chốn địa đầu
Trập trùng đá xám mang hồn nước
Sông chảy vào lòng núi thẳm sâu

Tôi không bao giờ quên lần cùng trạm trưởng biên phòng Lý Mỳ Dính khi đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, dưới lá cờ rộng 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc trên đất nước. Từ đỉnh cao này, một vùng núi non trùng điệp trải dài trong tầm mắt thật hùng vĩ và thiêng liêng. Vùng đất cực Bắc này đã thấm máu bao thế hệ người Việt trong công cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương bờ cõi của tổ quốc.

Lên Lũng Cú lần gần đây nhất, chúng tôi đã lên đến doi đất cuối cùng, điều mà mấy lần trước chưa có dịp thực hiện. Chúng tôi theo đường tuần tra biên giới qua bản Xéo Lủng, đến nơi có cột mốc, bia chủ quyền và đài vọng cảnh cực bắc. Sông Nho Quế chảy qua điểm này giữa hai bên là vách núi cao. Con đường nhỏ ra lượn trên mép núi chênh vênh đến điểm cực có toạ độ 23°22’59″ vĩ độ Bắc; 105°19’21″ kinh độ Đông. Nắng biên cương bâng khuâng trên những nếp nhà nhỏ, con đường và thấp thoáng bóng những người dân đang làm nương. Nhìn từ điểm cực, bản Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú, nằm giữa trập trùng núi đá chìm ẩn trong mây như bức tranh thuỷ mặc.

Chú thích ảnhHình ảnh ở điểm cực bắc Lũng Cú.

Điểm cực Tây A Pa Chải là nơi ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc chung đường biên giới. Mùa hè năm ngoái, nhà báo Ngô Hà Thái và tôi cùng mấy người bạn nữa đã lên chương trình đi A Pa Chải nhưng không thành. Chúng tôi lên Lai Châu, qua Điện Biên đúng vào những ngày trời mưa tầm tã, đường lên A Pa Chải nhiều đoạn sụt lở và không an toàn.

Dịp cuối năm, vào mùa khô, với sự giúp đỡ của đồng nghiệp ở Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Lai Châu, chúng tôi lại thực hiện kế hoạch của mình. Từ thành phố Lai Châu, chúng tôi lên Mường Tè, ngược sông Đà rồi rẽ sang Mường Nhé lên A Pa Chải. Nhiều đoạn đường xấu, cheo leo.

Cùng với nhà báo Trần Hoàng, hoạ sĩ Đỗ Đức và hai lái xe cự phách của Thông tấn xã Việt Nam là Phạm Duy Cương và Nguyễn Quang Hiệp, chúng tôi vượt trên 400 km đường núi trong ngày để đến điểm cực Tây. Với sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng A Pa Chải, chúng tôi lên đỉnh núi Khoan La San, nơi có cột mốc số 0 ngay buổi chiều đến nơi. Từ trạm biên phòng ngược lên, đường rất khó đi. Đoạn bốn cây số cuối cùng rất hẹp, dốc đứng, chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ. 576 bậc thang cuối cùng lên cột mốc có chỗ như dựng ngược. Nhưng chúng tôi quên hết mệt nhọc khi lên đến cột mốc số 0 điểm cực Tây bao mong đợi, “nơi con gà gáy ba nước nghe thấy”. Từ đỉnh Khoan La San cao 1846 mét, trước mắt chúng tôi là một dải biên cương hùng vĩ miền Tây đất nước .

Theo thiếu uý Trần Bảo Dương, người đi cùng chúng tôi lên cột mốc giới thiệu, cột mốc số 0 là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc; phía Lào là huyện Nhot U, tỉnh Phong Sa Lỳ; phía Trung Quốc là huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam. Cột mốc bằng đá hoa cương được xây dựng vào ngày 27/6/2005, ba mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước và quốc huy của mỗi quốc gia. Hình ảnh người sĩ quan trẻ Trần Bảo Dương giữa những cánh lau trong buổi chiều biên cương để lại ấn tượng thật đẹp với anh em trong đoàn.

Chú thích ảnhHình ảnh ở cột mốc cực Tây A Pa Chải.

Ở A Pa Chải, bản Tá Miễu sát ngã ba biên giới nhất. Chiều xuống, khi những cô gái Hà Nhì làm nương về, khói bếp bình yên bay lên từ các ngôi nhà sàn trong bản. Mấy em bé trong bản ra chơi bên các cột cây số chỉ đường lên cột mốc. Các cháu sẽ là những chủ nhân tương lai của vùng đất biên cương này.

Tôi đã ghi lại những ấn tượng của mình trong bài thơ A Pa Chải:

Khoan La San lưng trời núi dựng
Trập trùng A Pa Chải ngàn mây
Nghe hồn của đất thơm trong gió
Cột mốc chân trần nơi cực Tây

Bạt ngàn lau xám miền biên ải
Xào xạc bâng khuâng tiếng nước non
Bóng người trùng điệp theo năm tháng
Giữ đất đai tiên tổ trường tồn

Và:

Tá Miễu sương giăng chiều bản nhỏ
Em gái Hà Nhì váy áo hoa
Bập bùng bếp lửa hoàng hôn xuống
Đất nước thanh bình ngọn khói xa

Nguồn bài viết