Ngành chăn nuôi Đồng Nai hướng đến phát triển bền vững

1 năm trước 107
Chú thích ảnh Tổng đàn gà của Đồng Nai khoảng 25,9 triệu con.

Càng nuôi càng lỗ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, chăn nuôi vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chiếm 62%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Chăn nuôi của tỉnh có 2 loại vật nuôi chủ lực là lợn và gà. Tổng đàn heo khoảng 2,64 triệu con, với chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn (1.121 trang trại); tổng đàn gà khoảng 25,9 triệu con, với chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn (306 trang trại).

Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc hình thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Trong đó, đã hình thành được 4 chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi sản phẩm chế biến từ thịt heo, 2 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi yến. Đặc biệt là chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 180 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, còn có các chuỗi chăn nuôi khép kín của các doanh nghiệp trên địa bàn; hằng năm các chuỗi này cung cấp cho thị trường 262.262 tấn thịt heo, 67.816 tấn thịt gà, 1.888 tấn thịt bò.

Đối với mặt hàng thịt lợn, giá thịt lợn hơi tại Đồng Nai đang được thu mua với các mức tương ứng là 52.000 đồng/kg và 53.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây là mức giá chưa giúp người chăn nuôi có lãi bởi có điều bất cập, đó là giá lợn hơi tại trại rất thấp, trong khi giá bán lẻ đến người tiêu dùng cao hơn gấp nhiều lần.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp đã tăng giá cám 6 lần. Trung bình mỗi tháng tăng 1 lần, mỗi lần tăng 400 đồng/kg, tương đương 10.000 đồng/bao cám 25 kg. Như vậy, bình quân giá 1 bao cám hiện khoảng 600.000 đồng. Để nuôi 1 con lợn từ khi cai sữa tới lúc xuất chuồng, tiêu tốn hết khoảng 6 bao cám, tương đương 3,5 - 3,5 triệu đồng.

"Việc giá cám tăng phi mã, giá thuốc thú y cũng tăng gấp đôi so với năm ngoái cùng các loại chi phí vận chuyển, bốc xếp cũng tăng từng ngày, ví dụ chi phí vận chuyển trước đây 4.000 - 5.000 đồng/bao, nay tăng lên 8.000 đồng/bao... khiến người chăn nuôi vô cùng lo lắng, bức xúc. Theo đó, giá lợn hơi phải đạt trên 60.000 đồng/kg nông dân mới có lãi, đó là trang trại đáp ứng được điều kiện an toàn dịch bệnh; còn nếu trại nào không đảm bảo, bị dịch bệnh thì kiểu gì cũng lỗ", ông Nguyễn Kim Đoán cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Đoán, thực trạng hiện nay là người chăn nuôi đang lâm vào ngõ cụt. Nếu tiếp tục duy trì chăn nuôi thì phải chấp nhận lỗ. Thực tế, số lượng người chăn nuôi đã giảm tới 60-70% do bị dịch tả lợn châu Phi càn quét lên xuống. Với những trang trại không bị dịch bệnh hoặc bị ít, chủ trang trại cũng phải giảm đàn vì giá cám có thể còn tăng nữa. Mặt khác, ngành chăn nuôi còn gặp khó do giá lợn hơi khó tăng cao như trước do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến số hộ bỏ chuồng, treo chuồng ngày càng nhiều. 

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ (chuyên sản xuất gà xuất khẩu) cho rằng, nguyên nhân do ngành chăn nuôi Đồng Nai hiện nay còn nhỏ lẻ manh mún, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, kéo theo chất lượng sản phảm đầu ra khó kiểm soát.  Mặt khác, các hợp tác xã chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân trong chuỗi giá trị, tuy nhiên đa số các hợp tác xã còn hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, hoạt động chủ yếu là thực hiện dịch vụ cung ứng đầu vào cho thành viên, chưa thực sự làm tốt việc tổ chức dịch vụ khác. Do đó, tỉnh Đồng Nai nên quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung là nhu cầu tất yếu.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Lê Văn Quyết, Đồng Nai khí hậu khá nóng, muốn chăn nuôi thành công đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó phải điều tiết được nhiệt độ trang trại ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Ngoài ra, để có đủ sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi trang trại phải đủ lớn và đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu chí của nhà nhập khẩu. Do đó, mong muốn địa phương là quy hoạch khu chăn nuôi và giết mổ tập trung để tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng trang trại theo hướng hiện đại.

Chú thích ảnhTP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn của tỉnh Đồng Nai.

“Thị trường xuất khẩu gia cầm nói chung, gà nói riêng còn rất rộng mở, chỉ một vài trang trại không giải quyết được vấn đề nguồn cung mà cần phải liên kết rất nhiều thành viên là người chăn nuôi, các hợp tác xã và doanh nghiệp. Vì vậy, hợp tác xã chính là đầu mối quản lý chặt chẽ để các thành viên cùng thực hiện chăn nuôi theo quy trình đạt chuẩn xuất khẩu, từ đó mới có thể giải quyết cả bài toán về chất lượng và số lượng. Chính vì vậy, cái gốc của hệ thống liên kết mà hợp tác xã đang tập trung xây dựng chính là thu hút những người chăn nuôi có kinh nghiệm, có bản lĩnh”, ông Lê Văn Quyết cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, để khắc phục những khó khăn, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, sắp tới địa phương sẽ tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thông qua việc bố trí kinh phí và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Khống chế và kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; chủ động giám sát các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, tiếp tục xây dựng mới và duy trì các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Đại diện một số doanh nghiệp chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, tỉnh cần quy hoạch chuyển hướng chăn nuôi từ số lượng sang chất lượng, thực hiện ngay việc giảm tổng đàn nái (giảm đàn từ những lứa lợn sữa), giảm giá thức ăn chăn nuôi, tổ chức cấp đông hoặc tăng cường chế biến để giảm áp lực thừa; có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho người chăn nuôi...; tăng cường tiêu thụ heo bằng nhiều cách. Trong đó, Đồng Nai nên làm việc với TP Hồ Chí Minh để giải quyết vướng mắc trong thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo và kết nối thị trường.

Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đây là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề đầu ra, giá thành cho sản phẩm của ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đang được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi khép kín, an toàn. Đối với việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh cũng sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện dự thảo chương trình hành động về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ xây Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, Đề án phát triển vùng sản xuất tập trung, Dự án đánh giá đất nông nghiệp, đảm bảo tiến độ trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2022.

"Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục phát triển, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp, gắn việc thành lập mới hợp tác xã với xây dựng chuỗi liên kết để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp…", ông Võ Văn Phi nói.

 

Nguồn bài viết