Kịp thời dập tắt vụ cháy rừng tại xã Ngọc Chấn, Yên Bái

5 tháng trước 40
Chú thích ảnhHiện trường vụ cháy rừng tự nhiên sản xuất xảy ra tại khu vực khe Nà Định, thôn Nà Đình, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 25/11, gia đình ông Phan Văn Minh và bà Lù Thị Yểng, thôn Thái Y, xã Ngọc Chấn khai thác gỗ rừng trồng tại diện tích đất do hộ gia đình đang canh tác ở khu vực khe Nà Định, thôn Nà Đình. Trong lúc dọn, đốt nương, do chủ quan đã để cháy lan sang diện tích rừng tự nhiên sản xuất. Do thời tiết hanh khô, thảm thực bì dày nên vợ chồng ông Minh không thể khống chế đám cháy.

Nhận được tin báo, UBND xã Ngọc Chấn nhanh chóng huy động lực lượng và nhân dân tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do đám cháy rộng, vị trí khó tiếp cận, nguy cơ rất cao lan rộng và có thể cháy lan sang diện tích rừng của các xã lân cận (Cảm Nhân, Xuân Long) nên UBND xã Ngọc Chấn đã báo cáo đề nghị huyện Yên Bình chi viện.

Huyện Yên Bình cũng kịp thời chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xã Xuân Long huy động lực lượng gần 200 người, phương tiện hỗ trợ chữa cháy khẩn cấp. Đến 22 giờ 30 phút cùng ngày đám cháy được dập tắt hoàn toàn

Theo thống kê ban đầu, diện tích rừng bị cháy tại khu vực khe Nà Định, thôn Nà Đình, xã Ngọc Chấn khoảng 7 nghìn m2.

Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết thêm: Sau khi đám cháy được dập tắt, huyện Yên Bình chỉ đạo xã Ngọc Chấn, Hạt Kiểm Lâm, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân gây cháy rừng. Bên cạnh đó, đánh giá chính xác diện tích rừng bị cháy, trữ lượng lâm sản bị thiệt hại tại các lô, khoảnh rừng tiểu khu rừng tự nhiên sản xuất; xác minh diện tích rừng trồng đã khai thác, đốt thực bì gây ra cháy rừng tự nhiên của gia đình ông Phan Văn Minh để có biện pháp khắc phục và cây trồng thay thế.

Huyện cũng đề nghị xã và các cơ quan liên quan tiếp tục làm tốt công tác tham mưu ứng phó cháy rừng trong mùa khô hanh; có kế hoạch cụ thể, huy động hiệu quả lực lượng tại chỗ tham gia ứng phó, chú trọng chuẩn bị dụng cụ, phương tiện để thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", giúp đỡ địa phương, người dân khắc phục hậu quả cháy rừng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, cảnh báo người dân về nguy cơ cháy rừng và không được đốt nương, đốt ong trong rừng...

Nguồn bài viết