Đuối nước trẻ em - nguy cơ thường trực khi hè đến

1 tuần trước 8
Chú thích ảnhTrường THCS Trần Quang Diệu (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) triển khai dạy bơi cho học sinh. Ảnh minh họa: Hoài Thu/TTXVN

Dù đã có nhiều cảnh báo từ phía nhà trường, chính quyền địa phương nhưng sự thiếu quan tâm, lơ là từ phía phụ huynh dẫn đến những vụ việc đau lòng vẫn tiếp diễn.

Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước

Chỉ trong mấy ngày cuối tháng 4, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 3 bệnh nhi đuối nước, nguy kịch tính mạng.

Trường hợp đầu tiên là bé trai 2 tuổi ở Hà Nội, ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2m không có rào chắn xung quanh, khi chơi ở nhà hàng xóm. Camera ghi nhận, sau khoảng 8 phút ngã xuống bể cá, trẻ mới được phát hiện, đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Các nhân viên y tế của trạm y tế gần nhà đến sơ cấp cứu tại chỗ, sau khi trẻ có tim trở lại được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn.

Hai trường hợp tiếp theo được Bệnh viện tiếp nhận là bệnh nhi nữ, 12 tuổi, ở Hà Nội và bệnh nhi nam 11 tuổi, ở Sơn La. Cả hai đều gặp nạn khi đi tắm ao, suối cùng các bạn.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, tại một số địa phương cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, liên quan đến trẻ em. Điển hình, như tại Hà Nam xảy ra 2 vụ đuối nước làm 4 thanh, thiếu niên thiệt mạng tại xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý và xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng; ba học sinh bị đuối nước tại xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; hai em nhỏ tử vong khi tắm sông tại chân cầu Hiệp Thanh, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh...

Theo các chuyên gia, đa số các vụ tai nạn đuối nước diễn ra tại các vùng nông thôn. Phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, hệ thống sông, rạch, vũng nước… cũng là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ.

Cuộc sống ở vùng quê, đặc biệt là ở vùng nông thôn, còn gặp nhiều khó khăn, khiến cho cha mẹ thường phải bận rộn kiếm sống, không có đủ thời gian để chăm sóc, giám sát con. Bản tính hiếu động, ham khám phá của trẻ em, cộng với sự thiếu hiểu biết về nguy hiểm, khiến cho các em thường không nhận ra được mức độ rủi ro của việc chơi đùa gần nước.

Chủ động phòng tránh cho trẻ

Thực tế chỉ ra rằng, việc trang bị kỹ năng để phòng, chống tai nạn đuối nước cho thanh thiếu nhi, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, ngoài việc tăng cường quản lý con em, học sinh, việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản, như: biết được các mối nguy hiểm để phòng, chống tai nạn đuối nước; cách thức gián tiếp cứu đuối để đảm bảo an toàn cho bản thân; kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản cho cuộc sống là điều hết sức cần thiết.

Chuẩn bị bước vào mùa hè, nhiều địa phương đã dành sự quan tâm cho công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.  

Tỉnh Nghệ An có 13 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài trên 1.000 km, bờ biển dài 82 km; có nhiều kênh, ao, hồ trên các địa bàn dân cư; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, nắng nóng thất thường; trong khi điều kiện kinh tế của tỉnh chưa phát triển, kinh phí đầu tư các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, trong đó có bể bơi còn thiếu. Để giảm thiểu tình trạng đuối nước thương tâm, đặc biệt ở trẻ em, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện gửi Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành thị về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn.

Đoàn Thanh niên tỉnh cũng đưa nội dung phòng ngừa tai nạn đuối nước vào Chương trình hành động tình nguyện hè năm 2024, huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên cấp huyện, xã, thôn, xóm có khả năng bơi lội tốt tham gia thực hiện nhiệm vụ thường trực cảnh giới tại các bãi tắm biển, sông, suối, thác, khe, ao, hồ, đập lớn..., kịp thời phối hợp với các lực lượng khác phát hiện, ứng cứu các trường hợp đuối nước. 

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 500.000 trẻ em (chiếm 26,7%) dân số. Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho thấy, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 216 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó 181 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước (chiếm 83,7%). Những tháng đầu năm 2024, địa phương ghi nhận 6 trường hợp tử vong do tai nạn đuối nước. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá triển khai Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em tại hai huyện Ea Kar và Cư M’gar giai đoạn 2019-2023. Qua đó, Dự án đã dạy kỹ năng bơi an toàn cho 3.800 trẻ; kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 4.200 trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi; 3.550 cha mẹ, giáo viên được tập huấn; 26.000 tờ rơi, 4.416 lượt phát thanh ở xã và trường học…

Cùng với các giải pháp phòng, tránh đang được chính quyền địa phương, các ban, ngành nỗ lực thực hiện, các mô hình dạy bơi trong nhà trường và cộng đồng dân cư đã được quan tâm, phát triển ở nhiều nơi.

Trường Tiểu học thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống AC tổ chức chuyên đề "Kỹ năng phòng tránh đuối nước" cho hơn 600 học sinh nhằm tăng cường kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho các em.

Trước khi vào hè, trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tổ chức hai lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Lớp học bơi do thầy Nguyễn Đình Ngư, là giáo viên thể dục của trường giảng dạy. Đều đặn vào chiều thứ 4, thứ 6 hàng tuần, 30 em học sinh (từ lớp 2 đến lớp 5) được thầy giáo hướng dẫn kỹ năng bơi, cách thức cứu đuối, kỹ năng sinh tồn... Các em rất thích thú, phấn khởi khi được tham gia lớp học này...

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá, tai nạn đuối nước vẫn là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em, nhất là trong những ngày hè. Do đó, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình, hướng các em tới các hoạt động lành mạnh, bổ ích, bảo vệ trẻ em an toàn trước nguy cơ về tai nạn đuối nước có thể xảy ra.

Nguồn bài viết