Tàu nghiên cứu Anh chạm trán tảng băng lớn nhất thế giới sau khi tách rời Nam Cực

4 tháng trước 33
Chú thích ảnhTàu nghiên cứu RRS Sir David Attenborough đứng trước tảng băng A23a. Ảnh: AP

Các nhà nghiên cứu cho rằng cuộc gặp gỡ là một cơ hội may mắn, cho phép các nhà khoa học thu thập các mẫu nước biển xung quanh tảng băng khổng lồ khi nó trôi ra khỏi vùng biển Nam Cực.

Tàu nghiên cứu RRS Sir David Attenborough được cho là đang trên đường đến Nam Cực để thực hiện sứ mệnh khoa học đầu tiên. Tàu này đã vượt qua tảng băng trôi lớn A23a vào ngày 1/12 gần mũi Bán đảo Nam Cực.

Có kích thước gấp ba lần thành phố New York, A23a ở yên suốt hơn ba thập kỷ ở Biển Weddell sau khi nó tách ra khỏi thềm băng Filchner của Nam Cực vào năm 1986. Trong những tháng gần đây, tảng băng này bắt đầu trôi dạt và hiện đã di chuyển vào Nam Đại Dương nhờ gió và dòng hải lưu.

Andrew Meijers, nhà khoa học cấp cao trên tàu nghiên cứu, cho biết: “Thật vô cùng may mắn khi lộ trình của tảng băng trôi ra khỏi Biển Weddell nằm ngay trên lộ trình của chúng tôi và chúng tôi có đội ngũ phù hợp trên tàu để tận dụng cơ hội này”.

Laura Taylor, một nhà khoa học làm việc trên tàu, cho hay nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu nước bề mặt đại dương xung quanh đường đi của tảng băng trôi để giúp xác định sự sống nào có thể hình thành xung quanh nó cũng như tảng băng trôi và những yếu tố tương tự khác tác động đến carbon trong đại dương như thế nào.

“Chúng tôi biết rằng những tảng băng trôi khổng lồ này có thể cung cấp dinh dưỡng cho vùng nước chúng đi qua, tạo ra hệ sinh thái phát triển mạnh ở các khu vực. Điều chúng tôi không biết là với những tảng băng trôi cụ thể, quy mô và nguồn gốc của chúng có thể tạo ra sự khác biệt gì đối với quá trình đó”, nữ khoa học giải thích.

Tàu RRS Sir David Attenborough được đặt theo tên của nhà tự nhiên học người Anh. Chuyến đi đến Nam Cực của tàu kéo dài trong 10 ngày, nằm trong dự án trị giá 9 triệu bảng Anh với mục đích điều tra cách hệ sinh thái Nam Cực và băng biển thúc đẩy chu trình carbon và chất dinh dưỡng trong đại dương toàn cầu.

Nguồn bài viết