Startup quà tặng điện tử hoạt động bằng hệ thống ‘trên mây’

2 năm trước 503
Các chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp dần tiếp cận hình thức tặng quà thông qua voucher vừa để tiết kiệm chi phí kho vận cho họ, vừa đáp ứng chính xác nhu cầu của người được tặng.
Với sự hỗ trợ của Amazon Web Services (AWS), công ty khởi nghiệp Got It đang mở rộng quy mô để phát hành hàng chục triệu thẻ quà tặng mỗi năm, trở thành đối tác của hơn 150 thương hiệu tại Việt Nam. “Mục tiêu của chúng tôi là tặng cho khách thứ họ cần, không phải cái mình muốn tặng hay nghĩ rằng họ cần”, bà Bùi Thùy - Giám đốc quan hệ đối tác của Got It chia sẻ.
Để đảm bảo cho sự phát triển của một startup, việc quan trọng là tối ưu hóa chi phí hoạt động và việc này cần tới sự có mặt của dịch vụ đám mây. Với khả năng lưu trữ, đồng bộ, triển khai dịch vụ nhanh chóng từ hệ thống máy chủ khổng lồ, điện toán đám mây là giải pháp được nhiều startup chọn dùng hiện nay. Amazon Web Services (AWS) - công ty con thuộc tập đoàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đang đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ những startup như Got It hay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như quy mô lớn như tập đoàn đa quốc gia tiết kiệm chi phí hạ tầng, vận hành.
Nền tảng điện toán đám mây của AWS được phía Got It đánh giá cao nhờ khả năng bảo mật hạ tầng và luôn đảm bảo tính liên tục của dịch vụ. “Tính liên tục, hay tính sẵn sàng của dịch vụ vô cùng quan trọng với doanh nghiệp như chúng tôi. Bất cứ khi nào khách có nhu cầu thì dịch vụ phải ‘sống’, phải tương tác được với người dùng”, đại diện Got It cho hay.
Hồi đầu năm nay, Got It nhận khoản đầu tư 6 triệu USD từ VNG để tập trung phát triển hệ thống, dịch vụ cộng thêm, đồng thời dành cho việc mở rộng tập người dùng thông qua ứng dụng Zalo và công cụ thanh toán ZaloPay, hướng tới quà tặng cá nhân giữa người dùng với nhau, không chỉ bó hẹp trong đối tác doanh nghiệp như trước.
Startup quà tặng điện tử hoạt động bằng hệ thống ‘trên mây’ - ảnh 1

Quà tặng điện tử giúp người nhận được chủ động lựa chọn sản phẩm mình có nhu cầu

Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, AWS sẽ chịu trách nhiệm về hạ tầng nên startup không cần lo chi phí cho khoản này, giúp giảm rủi ro, đồng thời tăng hiệu quả đầu tư vì ai cũng hiểu làm khởi nghiệp không phải lúc nào cũng thành công, các khoản đầu tư “chưa hợp lý” tiềm ẩn khả năng trở thành gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
“Công ty hoạt động, đặc biệt là đơn vị khởi nghiệp luôn cần sự giãn nở của hệ thống một cách linh hoạt. Khi nhu cầu sử dụng tăng thì hạ tầng phải lớn, khi nhu cầu thấp thì có phương án co lại cho phù hợp chi phí. Vì vậy, sử dụng điện toán đám mây AWS cho startup như Got It sẽ hiệu quả hơn, vừa dễ dàng trải nghiệm nhiều dịch vụ có sẵn khác nhau, vừa tốn ít thời gian để triển khai, thử nghiệm. Đó là điều không thể thực hiện với mô hình đầu tư truyền thống”, bà Bùi Thùy nhấn mạnh khi nói về ưu điểm của giải pháp công nghệ đang được công ty sử dụng.
Nguồn bài viết