Phát huy hiệu quả việc thu hút vốn đầu tư, góp phần tạo nguồn lực phát triển tỉnh Hòa Bình

2 năm trước 186

Theo đánh giá của tỉnh, với sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đã tin tưởng đến với Hòa Bình, trong đó có những nhà đầu tư lớn, tiềm năng. Có thể kể đến như: Tập đoàn FLC đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí; Tập đoàn Xuân Thành đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện năng lượng mặt trời, Dự án nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất vôi và bột nhẹ; Tập đoàn Hanbek-Hàn Quốc nghiên cứu đầu tư vào khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình; Tập đoàn Meiko Nhật Bản nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử...

Thống kê, hiện toàn tỉnh Hòa Bình có trên 600 dự án đầu tư; trong đó: 40 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 583,8 triệu USD và trên  570 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 117.256,7 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo tỉnh chia sẻ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư,  những năm qua, tỉnh đã sớm chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng... Nhờ đó, đã giúp giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành chức năng luôn lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để có hướng giải quyết phù hợp. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp  tiếp cận về vốn, tín dụng, tài chính, thuế, BHXH, lao động. 

Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu 5 năm tới tập trung thu hút các dự án trong nước, với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng; đồng thời thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong năm 2021, tỉnh đã tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm bớt thời gian giải quyết thủ tục; thực hiện tốt quy định “4 tại chỗ”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, ngay từ những tháng đầu năm 2021, tỉnh đã tổ chức các hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư  để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện và tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra thực địa các dự án. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ, tập trung gỡ khó cho các nhà đầu tư triển khai công việc.

Chú thích ảnhCầu Hòa Bình 2. Ảnh Trọng Đạt/TTXVN

Song song đó, tỉnh Hoà Bình đã tích cực làm việc với các cơ quan Trung ương, các đối tác, nhà đầu tư thực hiện những dự án hạ tầng quan trọng như: Mở rộng gấp đôi tuyến đường Hòa Lạc - TP. Hòa Bình; mở tuyến đường từ đầu TP. Hòa Bình đi huyện Kim Bôi để khai thác tiềm năng du lịch Kim Bôi. Đặc biệt, tỉnh cùng với tỉnh Sơn La quyết tâm thực hiện tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, hạ tầng phát triển công nghiệp, du lịch để thu hút đầu tư… UBND tỉnh đã xây dựng quy định, trình tự thực hiện các thủ tục hành chính đối với dự án có sử dụng đất, đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo xây dựng tiêu chí áp dụng lựa chọn hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, các ban, ngành của tỉnh cũng thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thành thử nghiệm Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành (DDCI) để đưa vào áp dụng từ năm 2022, qua đó thúc đẩy hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỉnh cũng  đang khẩn trương hoàn thành, công khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư.

Chú thích ảnhCông ty TNHH Hoan Phúc ở tiểu khu 11, thị trấn Lương Sơn vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng nhà xưởng trồng hoa lan các loại, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động.
Ảnh: Trần Việt /TTXVN

Đặc biệt, tháng 7/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ thủ tục hành chính; hỗ trợ giá thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thông tin, tư vấn; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mở rộng thị trường; hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND là cơ sở để thu hút cộng đồng doanh nhân trẻ từ các tỉnh khác đến lựa chọn tỉnh Hòa Bình để đầu tư và khởi nghiệp. Những hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp có niềm tin lớn về các chính sách của tỉnh; thúc đẩy phát triển sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nhân.  

Hoà Bình được các chuyên gia kinh tế nhận định trong tương lai sẽ trở thành miền đất hứa thu hút đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo.Tin tưởng rằng những chính sách đúng đắn của tỉnh Hòa Bình sẽ giúp thúc đẩy phát triển sản xuất-kinh doanh, ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đến đầu tư tại Hòa Bình.           

Nguồn bài viết