Phát hiện hố đen lâu đời nhất từ trước đến nay

5 tháng trước 40
Chú thích ảnhHình minh họa do NASA công bố ngày 21/2/2013 cho thấy một lỗ đen siêu lớn trong thiên hà xoắn ốc NGC 1365. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, phát hiện được công bố trong ngày 6/11 sau nhiều năm các nhà khoa học quan sát vũ trụ bằng kính viễn vọng Không gian James Webb và Đài quan sát Chandra của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Với tuổi đời vũ trụ là 13,8 tỷ năm, hố đen mới được tìm thấy có tuổi đời 13,2 tỷ năm. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là hố đen này có kích thước rất lớn - to gấp 10 lần hố đen trong Dải Ngân hà.

Theo tác giả nghiên cứu Akos Bogdan thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, khối lượng của hố đen này được cho là tương đương 10% đến 100% khối lượng của tất cả các ngôi sao trong thiên hà UHZ1 chứa nó.

Priyamvada Natarajan làm việc tại Đại học Yale, người tham gia nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Astronomy, bày tỏ: “Thật đáng kinh ngạc khi thứ này thực sự đã tồn tại trong vũ trụ từ rất sớm như vậy”. Các nhà nghiên cứu tin rằng hố đen được hình thành từ những đám mây khí khổng lồ sụp đổ khi hai thiên hà cạnh nhau hợp nhất.

Theo bà Natarajan, Đài quan sát Chandra phát hiện hố đen qua tia X. “Qua công nghệ tia X, chúng ta có thể nhìn thấy khí bị hút vào lỗ đen với tốc độ tăng dần và bắt đầu phát sáng”, nữ khoa học giải thích.

Hai kính viễn vọng không gian Webb và Chandra đã sử dụng một kỹ thuật gọi là thấu kính hấp dẫn để phóng đại vùng không gian nơi có thiên hà UHZ1và hố đen trong đó. Các kính thiên văn đã sử dụng ánh sáng từ một cụm thiên hà gần hơn, cách Trái đất 3,2 tỷ năm ánh sáng, để phóng đại hình ảnh thiên hà và hố đen.

Ra mắt vào năm 2021 với khả năng quan sát ở một điểm cách xa 1,6 triệu km, Webb là đài quan sát thiên văn lớn nhất và mạnh nhất từng được đưa vào vũ trụ. Trong khi đó, Chandra được trang bị công nghệ tia X phóng vào quỹ đạo vào năm 1999.

“Tôi thực sự thấy ngạc nhiên khi Chandra có thể thực hiện những khám phá đáng kinh ngạc như vậy sau 24 năm kể từ khi ra mắt”, tác giả Bogdan chia sẻ.

“Chúng tôi đang hy vọng một cánh cửa mới sẽ mở ra trong vũ trụ và tôi nghĩ đây là vết nứt đầu tiên”, bà Natarajan mong đợi nhiều lỗ đen sớm hơn sẽ được tìm thấy hơn nữa trong tương lai không xa.

Nguồn bài viết