Nổ cầu Crimea và nguy cơ trả đũa, báo thù

1 năm trước 112
Nổ cầu Crimea và nguy cơ trả đũa, báo thù - Ảnh 1.

Cầu Crimea bốc cháy sau vụ nổ - Ảnh: New York Times

Ngày 9-10, Hãng tin Reuters cho biết các thợ lặn Nga đã bắt đầu kiểm tra thiệt hại của vụ nổ làm hư hại nghiêm trọng cây cầu và cả tuyến đường sắt bắc qua eo biển Kerch nối vùng tây nam nước Nga với bán đảo Crimea. 

Đây là cây cầu dài nhất châu Âu, 19km, mang ý nghĩa biểu tượng lẫn lợi ích thực tế rất quan trọng với Matxcơva: là tuyến đường hậu cần then chốt với Nga cho cuộc chiến đang đỏ lửa ở miền nam Ukraine.

Cảnh giác mong muốn báo thù

Vụ nổ đã dẫn tới những phản ứng vui mừng bên phía giới chức Ukraine, dù không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Nga cũng không vội vàng đổ lỗi và nói họ đang điều tra. Phó thủ tướng Nga Marat Khusnullin thông báo các thợ lặn đã bắt tay vào việc sáng 9-10. 

"Tình hình trong tầm kiểm soát, có chút khó khăn, nhưng không quá nghiêm trọng - thống đốc vùng Crimea do Nga bổ nhiệm, Sergei Aksyonov, nói - Tất nhiên cảm xúc đã bị kích động và không ít người mong muốn báo thù".

Ông Aksyonov nói bán đảo Crimea vẫn còn nhiên liệu dự trữ đủ cho một tháng và lương thực cho hai tháng. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định lực lượng Nga ở nam Ukraine vẫn nhận được "cung ứng hậu cần đầy đủ" qua đường bộ và đường biển.

Hiện chưa rõ vụ nổ có phải là tấn công có chủ đích hay không, nhưng hư hại với một công trình lớn như vậy đã gây ra rất nhiều đồn đoán. Ngày 8-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh siết chặt an ninh cho cầu Crimea và các hạ tầng khác cung cấp điện và khí đốt cho bán đảo, đồng thời ra lệnh tiến hành điều tra.

"Đương nhiên là Nga có thể xây lại, nhưng họ không thể bảo vệ cây cầu nếu như thua cuộc chiến", Reuters dẫn lời nhà phân tích chính trị James Nixey. 

Phía Nga thông báo ba người đã thiệt mạng, có thể là những hành khách trên một chiếc xe hơi đi gần chiếc xe tải phát nổ. Ở tầng trên cây cầu, bảy toa chở bồn chứa nhiên liệu trên một đoàn tàu 59 toa đang trên đường đi Crimea cũng bắt lửa.

Nhưng chỉ khoảng 10 tiếng sau vụ nổ, một phần giao thông trên cầu đã được nối lại. Bộ Giao thông Nga thông báo tuyến xe lửa cũng đã dọn dẹp xong và sẵn sàng tái khởi động.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky không nhắc gì tới vụ nổ trong bài phát biểu ngày 8-10, mà chỉ nói thời tiết khắp Ukraine "mặt trời tỏa nắng" trong khi ở Crimea đang "mây mù". 

"Nhưng dù mây mù tới đâu, người dân Ukraine biết rằng tương lai của chúng tôi sẽ tràn ngập ánh nắng - ông Zelensky nói - Tương lai đó sẽ không còn bóng quân chiếm đóng, khắp lãnh thổ của chúng tôi, nhất là ở Crimea".

Nổ cầu Crimea và nguy cơ trả đũa, báo thù - Ảnh 2.

Dữ liệu: Kim Thoa - CNN - Đồ họa: N.KH.

Điều tra và khắc phục

Đài Russia Today (RT) dẫn Hãng tin Mash (Nga) nói chiếc xe tải gây ra vụ nổ đã đi xuyên qua vùng Krasnodar ở miền nam nước Nga suốt nhiều ngày trước khi tới bán đảo Taman, tức phần bên này Nga nối với Crimea bằng cây cầu.

RT cũng dẫn kênh Telegram Baza nói chiếc xe tải thuộc sở hữu một công dân Nga tên là Samir Yusubov, 26 tuổi, nhưng người này khẳng định không dính líu gì tới vụ việc.

Yusubov nói anh thậm chí không đang ở Nga, còn chiếc xe tải được anh giao cho một "người chú" tên là Makhir Yusubov. Theo Mash, Makhir đã không liên lạc với người thân ít nhất từ ngày 6-10, nhưng Hãng tin Nga RBC dẫn một nguồn an ninh nói tài xế xe tải có thể không hay biết chiếc xe đang chở gì.

RT dẫn số liệu của chính quyền địa phương nói trong năm 2022, đã có 1,2 triệu phương tiện dân sự đi qua cầu Crimea. Hãng tin Nga cũng giải thích cây cầu rất quan trọng với quân đội, vì là tuyến đường để đưa xe tăng, pháo và các thiết bị hạng nặng khác "ra tiền tuyến nhanh chóng" bằng đường sắt. Sân bay dân sự lớn duy nhất ở Crimea là Simferopol đã đóng cửa sau khi chiến sự bùng phát. Các tuyến phà biển cũng được khởi động lại cho mục đích dân sự sau vụ nổ.

Đài Mỹ CNN nói sử dụng phà biển trong thời tiết xấu hay các chuyến bay vận tải có nguy cơ bị tấn công sẽ làm gia tăng nguy cơ với cuộc chiến của Nga và gây thêm áp lực lên tuyến đường sắt duy nhất họ đang kiểm soát đi qua Melitopol dọc bờ biển Azov.

Trục trặc ở tuyến đường sắt trên cầu Crimea cho thấy sự phụ thuộc vào một phương thức vận tải đã cũ cho công tác hậu cần của quân đội Nga. Trước đó, Ukraine đã chiếm được Izium, rồi Lyman, đều là những đầu mối đường sắt quan trọng ở miền đông Ukraine.

CNN nói không thể loại trừ khả năng cầu Crimea trở thành mục tiêu một lần nữa, khiến tuyến đường sắt qua Melitopol càng quan trọng.

Ukraine tuyên bố tái chiếm 1.200km2 ở Kherson, Mỹ nói tiếp tục Ukraine tuyên bố tái chiếm 1.200km2 ở Kherson, Mỹ nói tiếp tục 'bơm' vũ khí cho Ukraine

TTO - Người phát ngôn Quân khu miền nam Ukraine cho biết quân đội nước này đã tái chiếm được gần 1.200km2 đất đai ở Kherson và đang từng bước củng cố chắc kiểm soát ở các vùng này.

Nguồn bài viết