Hạt nano ferritin với các protein bị cắt ngắn - Ảnh: news.stanford.edu
Theo đúng phác đồ, sau khi tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 thứ nhất cho bệnh nhân, sau 3-4 tuần các cơ sở y tế ở Anh phải tiêm liều thứ hai (khoảng cách 21 ngày đối với vắc xin của Pfizer và 28 ngày đối với vắc xin của AstraZeneca).
Tuy nhiên, chính phủ Anh đã quyết định giãn khoảng cách giữa hai mũi tiêm lên đến 12 tuần để có đủ vắc xin tiêm chủng cho nhiều người hơn.
Để giải quyết tình trạng thiếu vắc xin, các nhà khoa học thuộc khoa hóa sinh Đại học Stanford (Mỹ) đã nghĩ đến giải pháp phát triển một loại vắc xin ngừa COVID-19 hiệu quả chỉ sau một lần tiêm.
Kết quả thử nghiệm trên chuột đã được công bố trên tạp chí khoa học ACS Central Science (Mỹ) ngày 5-1.
Theo trang web khoa học Futura (Pháp), vắc xin thử nghiệm là loại vắc xin tiểu đơn vị.
Loại vắc xin này hoạt động theo nguyên tắc đơn giản. Các nhà khoa học tái tạo trong phòng thí nghiệm một protein kháng nguyên rồi kết hợp với tá dược để protein kháng nguyên kích thích hệ miễn dịch.
Các nhà khoa học ở Đại học Stanford đã tổng hợp hai dạng protein S (protein S là đoạn gai nằm trên bề mặt virus SARS-CoV-2). Dạng thứ nhất gồm toàn bộ protein S và dạng thứ hai là protein S đã bị cắt ngắn.
Sau đó, họ cho hai protein kháng nguyên này tích hợp với các hạt nano ferritin (protein chịu trách nhiệm dự trữ sắt).
Họ đã tiêm cho 10 con chuột 10 microgarm vắc xin cùng hai tá dược Quil-A và monophosphoryl lipid A (MPLA). Kết quả quan sát được cho thấy hai loại tiểu đơn vị đã đạt hiệu quả kích thích hệ miễn dịch ngay từ liều đầu tiên.
Số lượng kháng thể trung hòa hình thành tương đương với số lượng kháng thể của 20 bệnh nhân COVID-19 đã điều trị khỏi bệnh. Phản ứng trung hòa mạnh gấp đôi so với phản ứng quan sát thấy trong huyết thanh của các bệnh nhân.
GS Peter S. Kim - Ảnh: YOUTUBE
Sau mũi tiêm nhắc lại 21 ngày sau, chuột được tiêm vắc xin có protein S cắt ngắn đạt mức kháng thể trung hòa cao nhất.
Kết quả đạt được có thể làm cơ sở để phát triển một loại vắc xin tiểu đơn vị tiềm năng có hiệu quả ngay từ một lần tiêm.
Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tinh chỉnh ứng viên vắc xin để chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.
GS Peter S. Kim ở Đại học Stanford nhận xét: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một loại vắc xin chỉ cần tiêm một mũi duy nhất và không cần dây chuyền làm lạnh trong bảo quản hoặc vận chuyển. Nếu thành công, vắc xin cũng sẽ rẻ hơn. Vắc xin của chúng tôi sẽ nhắm đến mục tiêu các nước có thu nhập thấp và trung bình".