Mẹ phụ hồ mù chữ rưng rưng nước mắt ngày con gái đỗ đại học y

1 năm trước 114
Mẹ phụ hồ mù chữ rưng rưng nước mắt ngày con gái đỗ đại học y - Ảnh 1.

Đoàn Thị Thu không muốn từ bỏ ước mơ trở thành bác sĩ

Khi Thu báo tin với mẹ, chị Hồng giật mình: "Đỗ gì? Đỗ trường gì?". Con gái chị trúng tuyển vào Trường đại học Y dược Thái Bình.

Mẹ con chị Hồng ở xóm Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ngày công phụ hồ của người phụ nữ luống tuổi là 220.000 đồng. Tháng nào không mưa gió làm được hai chục công, tháng nào nhiều mưa chỉ được chục công. Tính ra cả nhà bốn miệng ăn nhưng tiền công mỗi tháng của chị loanh quanh 4 triệu đồng.

Từ ngày chị ôm con ra khỏi nhà để trốn những trận đòn vô cớ của ông chồng nát rượu, bốn mẹ con sống bằng đồng tiền làm thuê ít ỏi. Căn nhà hiện tại là của chị gái chị Hồng cho mượn, khi nào chị gái lập gia đình cho con, chị Hồng phải trả lại. Căn nhà cấp bốn lợp fibro xi măng, đồ đạc trong nhà cũng là của chị gái. Mẹ con chị Hồng chỉ có chiếc xe điện cũ, mấy bộ quần áo và mấy chiếc nồi méo mó.

Nhà cửa không có, không hộ khẩu, không có chế độ hộ nghèo hay cận nghèo, các con chị cũng không được hưởng chế độ miễn giảm học phí.

Năm nay, con gái thứ hai của chị vào lớp 10, con trai út lên lớp 4. Chị vừa đóng tiền sách vở, quần áo, học phí, các loại quỹ… cho con hết cả tháng lương chị chắt chiu dành dụm lâu nay. Con gái lớn mới vừa học xong lớp 12. Lương phụ hồ bữa được bữa chăng, chị Hồng không dám nghĩ tới việc nuôi con học đại học.

Nhưng Thu quyết đi học. Cô học trò nghèo thành viên của đội tuyển thi học sinh giỏi môn sinh học của trường ước mơ trở thành bác sĩ. Nghỉ hè, em không về nhà mà lên thành phố Tuyên Quang xin dọn dẹp, rửa bát cho một nhà hàng. Em tự học, tự xin việc, quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ.

Kỳ thi THPT vừa qua, Thu đạt 28,1 điểm tổ hợp khối B, đỗ vào Trường đại học Y dược Thái Bình. 

Không chùn bước

Mẹ phụ hồ mù chữ rưng rưng nước mắt ngày con gái đỗ đại học y - Ảnh 2.

Người mẹ khóc vì bất lực trước ước mơ đại học của con

Chị Hồng kể, năm nào nghỉ hè, nghỉ lễ Thu cũng tranh thủ đi làm. Khi thì dọn dẹp, bưng bê ở quán ăn, khi rửa bát thuê. Nhiều nơi ngần ngại khi thấy cô học trò gầy gò đến xin việc. Nhưng cũng có nhà hàng cảm thông cho cô học sinh nghèo, nhận vào làm ngắn hạn để cô có thêm vài đồng chuẩn bị cho năm học mới.

Khi tốt nghiệp THPT, chị Hồng cứ ngỡ Thu sẽ đi xin việc. Dự định của mấy mẹ con là chuẩn bị ít tiền để đến khi trả căn nhà hiện tại thì mấy mẹ con ra ngoài thuê nhà ở.

"Chẳng may cháu đỗ thật - chị Hồng thật thà - Không phải là tôi không muốn cháu đi học. Mẹ nào chẳng muốn con mình bằng bạn bằng bè. Nhưng mà nhà tôi khó khăn quá. Tôi không biết cháu đi học thì tiền đâu thuê trọ, tiền đâu nộp học phí? 

Rồi ở nơi đất khách quê người lấy gì ăn? Tôi thì một chữ bẻ đôi không biết. Không biết chữ tôi chỉ đi làm phụ xây (phụ hồ) lương tháng chưa nổi 4 triệu. Còn hai đứa con nữa".

Mẹ phụ hồ mù chữ rưng rưng nước mắt ngày con gái đỗ đại học y - Ảnh 3.

Gia đình của Đoàn Thị Thu trông vào đồng tiền công làm phụ hồ của mẹ

Mấy thế hệ nhà chị Hồng không biết chữ, chỉ biết đi làm thuê, bỏ sức đổi lấy cái ăn. Thu lại đỗ trường y, sau này học ra sẽ làm bác sĩ. Chị Hồng nằm mơ cũng không dám mơ tới chuyện đó.

"Em thương mẹ, thương em lắm! Em đi học, mẹ với các em ở nhà sống thế nào? Nhưng nếu em ở nhà đi làm thì chỉ làm được mấy năm khi còn sức khỏe thôi. Chỉ giảm được khó khăn trước mắt, còn sau này thì sao? 

Nhà em từ ông bà, các bác, bố mẹ em… đều không được đến trường, không biết chữ. Em đỗ vào Trường đại học Y, em sẽ cố gắng…", cô học trò nấc nghẹn kể lại.

Ngày nhập trường đã cận kề, cô tân sinh viên nhờ bạn bè, anh chị tìm việc làm ở thành phố Thái Bình trước để có thể vừa học, vừa làm. Thu biết chặng đường phía trước còn rất khó khăn nhưng em không chùn bước, không bỏ dở ước mơ.

Chị Hồng cũng xác định sẽ phải cố gắng hơn nhiều để lo cho ba đứa con đi học. 

Chị cười, nước mắt vẫn chảy ròng trên má: "Tôi không được ăn học, nhưng tôi nghĩ nghề y là nghề cao cả, nghề cứu người. Gia đình tôi nhiều người bệnh rồi mất, nên tôi thấy bác sĩ quan trọng lắm! Mà con tôi lại chọn nghề ấy. Tự hào lắm! Tất nhiên là vất vả nhưng tôi tin tưởng vào sự lựa chọn của cháu. Mong cháu sẽ làm được điều mà cháu mơ ước".

Học sinh giỏi 12 năm liên tiếp

Đoàn Thị Thu là học sinh giỏi 12 năm liên tiếp. Trong 3 năm học THPT, Thu là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang. Em liên tục đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học và từng giành học bổng từ Quỹ học bổng Odon Vallet (Pháp) năm 2020; học bổng tiếng Anh Access do Đại sứ quán Hoa Kỳ trao năm 2022.

Trong kỳ thi THPT vừa qua, Thu đạt 28,1 điểm, trúng tuyển Trường đại học Y dược Thái Bình.

Sẵn sàng chia sẻ với các bạn khó khăn

Cô giáo Bùi Thu Hồng - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang - cho hay Đoàn Thị Thu sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các bạn. Em được nhà trường xét tặng nhiều phần thưởng có giá trị vì thành tích học tập. Tuy nhiên, nhiều phần thưởng em từ chối và xin nhường lại cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Thu tự lập, chịu khó học tập và nhiệt tình, năng nổ với các phong trào của nhà trường. Dịp nghỉ hè, em tự xin việc làm thêm để có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình, mua đồ dùng học tập cho năm học tiếp theo.

Mẹ phụ hồ mù chữ rưng rưng nước mắt ngày con gái đỗ đại học y - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Hãy đăng ký ngay với Tuổi Trẻ

Các bạn tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu biết về hoàn cảnh tân sinh viên hãy truy cập https://tiepsuc.tuoitre.vn để đăng ký hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường.

Báo Tuổi Trẻ đang phối hợp với 63 tỉnh thành đoàn cả nước dự kiến trao 1.000 suất học bổng (trị giá hơn 15 tỉ đồng) hoặc có thể nhiều hơn cho tân sinh viên khó khăn, mỗi suất 15 triệu đồng.

Từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đến nay đã có 22.370 tân sinh viên được "tiếp sức" để không dang dở ước mơ giảng đường với số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Q.L.

Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường

Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.

Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.

Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...

Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.

Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin tại link này.

Nhọc nhằn mưu sinh nuôi khát khao đèn sáchNhọc nhằn mưu sinh nuôi khát khao đèn sách

TTO - Từng phải dừng học một năm vì nhà quá khó khăn, đi phụ việc tại nhiều quán ăn từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng vẫn không thôi khát khao được đến trường của Nguyễn Thị Trâm.

Nguồn bài viết