Kết nối việc làm tại huyện ven đô Hà Nội

10 tháng trước 60

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: "Để đảm bảo giải quyết việc làm trong năm 2023 cho 162.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%, Sở LĐTBXH Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố. Đồng thời, Trung tâm xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Các giải pháp đề ra đã đem lại kết quả tích cực trong điều kiện tình hình lao động, việc làm còn gặp nhiều khó khăn. Trong 5 tháng qua, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 85,8 nghìn lao động, đạt 52.9% so với kế hoạch năm 2023".

Chú thích ảnhPhiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Gia Lâm với hơn 1.700 chỉ tiêu.

Gia Lâm là một huyện ven đô nằm giáp sát với nội thành, với lợi thế là huyện cửa ngõ phía đông của Thủ đô có nhiều tuyến giao thông quan trọng. Huyện có các làng nghề phát triển ở nhiều ngành nghề như gốm sứ, may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm, buôn bán, cây giống ăn quả ngắn và lâu năm, cơ kim khí và các khu, cụm công nghiệp... Huyện Gia Lâm cũng đang trong quá trình đô thị hóa nhanh.

“Việc tổ chức phiên GDVL lưu động là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn huyện và khu vực lân cận. Phiên giao dịch không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động mà còn là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động để từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động”, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Sàn GDVL vệ tinh Gia Lâm đã thực hiện thành công nhiệm vụ là cầu nối tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn, giúp họ tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống. Từ khi thành lập đến nay, Sàn GDVL vệ tinh Gia Lâm đã tổ chức trên 800 buổi GDVL với tổng số hơn 1.349 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng; số lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp và kết nối online là trên 11.478 người; trong đó lao động đã trúng tuyển đạt gần 1.826 người.

Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: "Huyện đang trong quá trình đô thị hóa nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng. Phiên giao dịch việc làm lưu động có sự góp mặt của 36 đơn vị tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 1.730 chỉ tiêu, với đa dạng các vị trí ngành nghề cùng với những quyền lợi và mức thu nhập thỏa đáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm tìm kiếm việc làm phù hợp. Đây là dịp để người lao động được tiếp xúc trực tiếp với các nhà tuyển dụng để lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân; được tham gia tư vấn việc làm, tư vấn hướng nghiệp, chính sách pháp luật và cung cấp về thông tin thị trường lao động; các doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động tốt nhất đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".

Từ góc độ người đi tìm việc, anh Nguyễn Văn Thế (Đa Tốn, Gia Lâm) cho biết: “Tôi nghỉ việc tại công ty nước ngoài gần 3 tháng nay. Được thông báo có phiên giao dịch việc làm lưu động, tôi đến tìm hiểu để lựa chọn công việc phù hợp. Trước mắt, tôi ưu tiên tìm việc gần nhà”.

Còn ông Lê Thịnh, Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Lixem Việt Nam cho biết: Đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng 15 vị trí, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 50%. Đơn vị ưu tiên lao động có kỹ năng nghề nên đang tìm nguồn tuyển dụng khi liên kết với các trường.

Theo tổng hợp dữ liệu từ phiên giao dịch việc làm, các chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng trở lên chiếm gần 16%; các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng chiếm hơn 20%; các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng chiếm hơn 41%. Còn các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng chiếm gần 22% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của các vị trí việc làm thời vụ - bán thời gian dành cho các bạn sinh viên mới ra trường, người lao động phổ thông ở các vị trí tập sử, đơn giản chưa yêu cầu chuyên môn cao.

Chú thích ảnhNgười lao động đến tìm kiếm thông tin tuyển dụng.Chú thích ảnhTư vấn cho người lao động các vị trí việc làm phù hợp với trình độ và nhu cầu của doanh nghiệp.Chú thích ảnhChú thích ảnhTư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Nguồn bài viết