Huỳnh Bửu Sơn - thêm một tia nắng tắt

1 năm trước 118
Huỳnh Bửu Sơn - thêm một tia nắng tắt - Ảnh 1.

Nhóm Thứ Sáu và Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến đi thị sát đường Trường Sơn - Ảnh tư liệu

Nét chung của những vai trò ấy? "Sự yêu nước cống hiến của một trí thức", ông Phan Chánh Dưỡng, người bạn chí cốt, tổng kết ngắn gọn như vậy.

Tôi chọn Việt Nam

Có lần một nhà báo hỏi ông Huỳnh Bửu Sơn có tiếc không khi phải trải qua những năm tháng nghèo đói, lạc hậu thời bao cấp vì đã lựa chọn ở lại Việt Nam? Ông trả lời: "Có tiếc, nhưng là tiếc cho Việt Nam. Về phía bản thân, tôi đã chọn ở lại vì nghĩ đất nước cần được chính những người Việt như mình xây dựng".

Sau 30-4-1975, là một thành viên ban lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ông giữ chìa khóa ngân khố gồm tiền và vàng, tổ chức kiểm kê, bàn giao cho chính quyền mới nguyên vẹn, không suy suyển so với sổ sách kiểm kê mới nhất.

"Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất.

Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia".

Huỳnh Bửu Sơn khi ấy chưa đầy 30 tuổi đã thở phào nhẹ nhõm sau chữ ký bàn giao, và tiếp tục bước những bước đi mới trên con đường đã chọn, theo cách của mình để góp phần vào cuộc xây dựng lại.

Những bước tích cực nhất, nhanh mạnh nhất của Huỳnh Bửu Sơn lúc ấy là tham gia vào nhóm Thứ Sáu, một nhóm thinktank (nhóm ý tưởng) không tên, không chủ quản, không trụ sở, không điều lệ, không chức vụ, không kinh phí, không lương, chỉ có những nhà trí thức nhiệt huyết và trong sáng muốn góp phần mình vực dậy đất nước ngổn ngang bao vấn nạn sau chiến tranh.

Ông Huỳnh Bửu Sơn kể về lần đầu ra mắt của nhóm trước Hội đồng Bộ trưởng tại Hà Nội theo lời mời của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khi đó là ông Võ Văn Kiệt: "Cuộc họp được triệu tập bất ngờ vào 7h tối, tôi đi thăm bà con với vợ vừa về tới, còn chưa kịp ăn tối.

Ôm cái bụng đói và một tập tài liệu, tôi lên đường cùng cả nhóm và bất ngờ đến choáng váng trước một phòng họp có tới mấy chục người gồm toàn bộ trưởng, thứ trưởng, chuyên gia cao cấp các ngành liên quan đến kinh tế. Khi được giới thiệu trình bày, tôi thật sự xúc động và... run.

Sau khi nói vài câu, bỗng tôi bình tĩnh lại, đầu óc sáng suốt, trình bày vấn đề rõ ràng mạch lạc, càng nói càng say sưa giống như được trút ra một nỗi niềm tâm sự bị dồn nén bấy lâu nay. Kết thúc phần trình bày đã 8h30 tối, giải lao 10 phút, chúng tôi được chiêu đãi mỗi người một chén chè hạt sen. Đỡ đói...".

Trong trẻo như vậy, Huỳnh Bửu Sơn cùng nhóm Thứ Sáu đã cùng nhau lao vào những đề tài kinh tế thậm khó về đủ mọi mặt, mà khó nhất là quan điểm chính trị, trong những năm ấy: chủ động về tiền tệ - giá cả, đổi mới hệ thống ngân hàng, xây dựng chính sách phát triển ngoại thương, quy hoạch vùng để phát triển kinh tế...

Và như vậy ông Sơn quả là không có gì phải tiếc khi đã chọn Việt Nam cho đời mình.

Huỳnh Bửu Sơn - thêm một tia nắng tắt - Ảnh 2.

Cuộc họp mặt gần nhất của nhóm Thứ Sáu - Tết Nhâm Dần 2022

Ánh tà dương

Huỳnh Bửu Sơn đã sống một cuộc đời cống hiến sôi động. Giữa những năm hoạt động quản trị, tư vấn sung sức nhất, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, viết báo, trả lời phỏng vấn. Những phóng viên trẻ ngơ ngác không bao giờ bị ông từ chối. Những bài báo của ông xuất hiện liên tục trên Tuổi Trẻ, Thời Báo Kinh Tế, Lao Động, Doanh Nhân Sài Gòn...

Ngoài những kiến thức kinh tế, nghiên cứu sâu rộng, ông luôn tận dụng mọi cơ hội, diễn đàn để truyền đi năng lượng tích cực và niềm tin của mình vào tương lai Việt Nam, một "giấc mơ hóa rồng".

Huỳnh Bửu Sơn viết: "Muốn phát triển kinh tế, tức là muốn làm giàu, phải trông cậy vào sức mình. Nguồn lực để phát triển có sẵn trong đất nước, trong mỗi con người chúng ta. Có chính sách bồi dưỡng đúng mức, sẽ có ngày khai phóng được năng lực vĩ đại này.

Đào tạo và trọng dụng nhân tài là quốc sách muôn đời của một nước. Lực lượng ưu tú, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, cũng luôn là yếu tố quyết định sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng dân tộc.

Đầu tư giáo dục - trong những năm tới - sẽ phải là đầu tư quan trọng nhất của chúng ta, bởi đó là động lực lớn nhất và quan trọng nhất của phát triển. Khi đất nước còn sản sinh ra hào kiệt thì dù có lúc bị ngoại nhân xâm lấn cũng có ngày giành được độc lập, dù có lúc nghèo khổ chậm tiến cũng sẽ có ngày giàu có, phát triển".

"Bạn tôi là người lãng mạn. Lãng mạn nên luôn lạc quan, tin tưởng, bay bổng với trí tuệ của mình. Những bài báo, tập sách của anh để lại đã cho mọi người thấy rõ điều đó. Nhưng còn những lãng mạn kín đáo khác mà không mấy ai biết được đâu", nhà báo Hoàng Thoại Châu, một thành viên của nhóm Thứ Sáu, thổ lộ.

Rồi ông lục tập tài liệu cũ, đọc một bài thơ ký tên Vũ Hoàng trên giai phẩm Xuân Giáo Dục Sáng Tạo - Quý Mùi 1999: "Gửi lại cho em vầng trăng Hà Nội/ Một chút tình buồn, một chút tình say/ Một chút tương tư cho đời đáng nhớ/ Một chút u hoài mà không đắng cay...".

"Huỳnh Bửu Sơn của chúng tôi đấy. Thương bạn biết bao...", ông Châu nhắc lại. Ông Huỳnh Bửu Sơn đã từ biệt nhóm Thứ Sáu vào sớm tinh mơ thứ sáu 3-6-2022 - Tết Đoan Ngọ. Một ngày đẹp để mọi người dễ nhớ. "Thêm một tia nắng tà dương của nhóm Thứ Sáu tắt", ông Phan Chánh Dưỡng ngậm ngùi.

"Tia nắng tà dương" là chữ ông bỗng buột ra đặt cho tấm ảnh hội ngộ mới nhất của nhóm chính tại nhà ông Huỳnh Bửu Sơn dịp Tết Nhâm Dần vừa cách nay bốn tháng. Lời hẹn ông Sơn sẽ đích thân làm đầu bếp nướng tôm càng cho buổi ăn mừng hết bệnh thế là đã lỡ rồi.

Nhóm Thứ Sáu đã phải giã biệt 10 người, và có 2 người nữa cũng đang trên giường bệnh. Những tia nắng đang đi vào buổi tà dương, nhưng đều đã tỏa sáng rực rỡ, sưởi ấm hết mình.

"Đến giờ tôi vẫn còn ngạc nhiên khi các đề án của chúng tôi đã thuyết phục được các nhà lãnh đạo cả nước và TP.HCM lúc bây giờ như ông Võ Văn Kiệt, ông Võ Trần Chí. Nhiều điều chúng tôi đưa ra hoàn toàn trái ngược với những gì mà bộ máy tham mưu của các ông đã báo cáo và đề xuất trước đó, ấy vậy mà chúng tôi vẫn được lắng nghe.

Biết ơn lắm, vì phần lớn thành viên của nhóm là người "của chế độ cũ", như anh Huỳnh Bửu Sơn. Đồng cam cộng khổ cùng đất nước, anh đã trở thành một trong những người được tin tưởng nhất", ông Phan Chánh Dưỡng kể.

284401528_1075458873049450_1584848428893992401_n 2(Read-Only)

Huỳnh Bửu Sơn tháng 6-2020 - Ảnh: P.VŨ

Ông Huỳnh Bửu Sơn, sinh năm 1946, qua đời sáng 3-6-2022, thọ 77 tuổi.

- Tang lễ tổ chức tại tư gia ở đường Tên Lửa, quận Bình Tân, TP.HCM.

- Lễ viếng từ 11h ngày 3-6. Lễ động quan lúc 6h ngày 5-6. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn - một ánh tà dương của nhóm Thứ Sáu - vụt tắtChuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn - một ánh tà dương của nhóm Thứ Sáu - vụt tắt

TTO - Sáng sớm nay (3-6), chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã từ biệt cuộc đời trước sự bàng hoàng của gia đình, bè bạn.

Nguồn bài viết