Hong Kong bị phản ứng khi siết quy định chống dịch 'Zero COVID' đến sau Tết

2 năm trước 154
Hong Kong bị phản ứng khi siết quy định chống dịch Zero COVID đến sau Tết - Ảnh 1.

Người dân đăng ký xét nghiệm bắt buộc ở Hong Kong hôm 13-1 - Ảnh: HK GOV

Theo Đài NDTV, trong bối cảnh biến thể Omicron đang tiếp tục lây lan, đặc khu Hong Kong ​​đã gia hạn lệnh tạm đóng cửa rạp chiếu phim, quán bar, phòng gym… và dừng các dịch vụ ăn uống từ sau 18h hằng ngày đến hết ngày 3-2.

Ngoài ra, kế hoạch tổ chức các hội chợ Tết, một nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân ở Hong Kong, cũng bị hủy bỏ.

Xứ cảng thơm cũng áp đặt hàng loạt lệnh cấm các chuyến bay từ 8 quốc gia gồm Úc, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ. Vì thế, các hãng hàng không cũng cắt giảm các chuyến bay tới đặc khu hành chính này.

Đài NDTV cho biết mặc dù các lệnh hạn chế ở Hong Kong ít khắt khe hơn so với Trung Quốc đại lục, 7,5 triệu dân ở thành phố này không ủng hộ và tức giận trước quyết định siết chặt các quy định chống dịch đe dọa đến dịp sum họp gia đình vào kỳ nghỉ Tết truyền thống.

Sự tức giận của người dân nơi đây lên đến đỉnh điểm vào hôm 8-1, khi lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam xác nhận 13 quan chức cấp cao đang bị điều tra vì liên quan đến một buổi tiệc sinh nhật của một nghị sĩ được tổ chức vào đầu tuần trước.

"Chúng tôi đang cảm thấy vô cùng bất lực và thất vọng", Đài NDTV trích email của đại diện Hiệp hội Sân khấu Hong Kong bày tỏ.

Theo số liệu dự báo, các quán bar, nhà hàng… sẽ tiếp tục lỗ hàng trăm triệu USD trong vài tuần tới. Bên cạnh đó, các cơ sở thẩm mỹ, phòng gym, quán ăn nhỏ… hiện đang chật vật xoay xở trước nguy cơ phải đóng cửa.

“Tôi e rằng mọi người sẽ không thể tụ tập ăn uống và chúc mừng năm mới như mọi năm. Chúng tôi cũng nhận thức được quyết định này sẽ khiến rất nhiều người dân thất vọng", Đài NDTV trích lời lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam tại cuộc họp báo hôm 14-1.

Phát biểu tại buổi họp, lãnh đạo Cơ quan Thực phẩm và sức khỏe Hong Kong Sophia Chan cho biết việc phải gác lại các sự kiện truyền thống trong dịp lễ Tết là một “quyết định rất khó khăn", nhưng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, sức khỏe và tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu.

Các trường mẫu giáo và tiểu học ở thành phố này sẽ tạm dừng việc học trực tiếp từ ngày 14-1 cho đến sau Tết. Kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11 cũng đang được xem xét triển khai.

Từ đầu đại dịch đến nay, Hong Kong ghi nhận hơn 12.800 ca nhiễm và 213 ca tử vong vì COVID 19.

Nhà đầu tư lo ngại về chống dịch mạnh tay ở Hong Kong, Trung Quốc

Các nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc và Hong Kong đang siết chặt các biện pháp để ngăn chặn biến thể Omicron khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley cắt giảm dự báo tăng trưởng cho Hong Kong sau khi đặc khu này một lần nữa áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh tay.

Chuyên gia phân tích thị trường Jeffrey Halley tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty ngoại hối Oanda cảnh báo khả năng cú sốc tăng trưởng xảy ra ở Trung Quốc vì biến thể Omicron và chính sách "zero COVID".

Bắc Kinh ghi nhận ca nhiễm Omicron trong cộng đồng đầu tiên hôm 15-1, chỉ vài tuần trước khi diễn ra Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh dự kiến khai mạc ngày 4-2. Như vậy đến nay ít nhất 3 tỉnh (Hà Nam, Liêu Ninh, Quảng Đông) và 2 thành phố (Thiên Tân, Bắc Kinh) của Trung Quốc đã ghi nhận ca nhiễm Omicron trong cộng đồng.

Bị cấm tới nhà hàng dim sum, người cao tuổi ở Hong Kong Bị cấm tới nhà hàng dim sum, người cao tuổi ở Hong Kong 'ùn ùn' đi tiêm vắc xin

TTO - Ngày 10-1, báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong có bài viết với góc nhìn hóm hỉnh: Ai mà ngờ lệnh 'cấm tới nhà hàng dim sum' lại là cách hữu hiệu để người cao tuổi Hong Kong chịu đi tiêm vắc xin.

Nguồn bài viết