Hà Nam: Tạo mặt bằng sạch cho các dự án

1 năm trước 59
Chú thích ảnhKhu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Từ năm 2020 đến nay, huyện Lý Nhân triển khai giải phóng mặt bằng 33 dự án. Các dự án đều được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, công khai, dân chủ, đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ bản được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn I có tổng diện tích thu hồi 100 ha trên địa bàn 3 xã Bắc Lý, Chân Lý và Trần Hưng Đạo với gần 800 hộ bị ảnh hưởng. Việc giải phóng mặt bằng lúc đầu gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ không đồng tình.

Nhưng, với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Lý Nhân, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong tuyên truyền, vận động để người dân có đất thuộc vùng dự án hiểu rõ mục đích và bàn giao mặt bằng cho dự án theo đúng tiến độ.

Ông Lê Tuấn Tiến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hợp Tiến - Nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 1 cho biết, nhờ làm tốt giải phóng mặt bằng, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ. Đến nay, khu công nghiệp đã thu hút được 16 nhà đầu tư (7 doanh nghiệp FDI và 9 doanh nghiệp trong nước) với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7.000 lao động.

Theo ông Trần Đức Thuấn, Bí thư Huyện ủy Lý Nhân, giải phóng mặt bằng được huyện xác định là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện giải phóng mặt bằng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức và là tiêu chí thi đua đối với mỗi địa phương, đơn vị.

Trong quá trình thực hiện, huyện chỉ đạo và yêu cầu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến để nhân dân tiếp cận đầy đủ thông tin và thực hiện tốt các quy định giải phóng mặt bằng.

Hiện Lý Nhân đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm như: tuyến đường ĐT.495B, tuyến đường nối 2 Đền Trần (ĐT.496C), Khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn II, dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng…

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đưa giải phóng mặt bằng vào nề nếp, đúng quy định, đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời quỹ đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo, rà soát cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với thực tế.

Cụ thể, UBND tỉnh Hà Nam đã tham mưu Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về một số chính sách, biện pháp đặc thù trong đầu tư xây dựng trước hạ tầng khu tái định cư nhằm phục vụ việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; ban hành Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND về quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn…

Theo ông Hoàng Văn Long - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, từ năm 2021 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã giải phóng mặt bằng 246 dự án với tổng diện tích phải thu hồi hơn 1.700 ha; trong đó, đã giải phóng mặt bằng xong hơn 1.500 ha. Về cơ bản, các dự án đã đáp ứng yêu cầu tiến độ, kế hoạch, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Để thực hiện hiệu quả giải phóng mặt bằng, thời gian tới, các cấp, ngành địa phương trong tỉnh Hà Nam tập trung thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; rà soát quy định của tỉnh về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ; quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để sửa đổi, bổ sung cho đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, Hà Nam tập trung mọi nguồn lực để giải phóng mặt bằng xây dựng trước các khu tái định cư, sẵn sàng đáp ứng ngay nhu cầu tái định cư sau khi Nhà nước thu hồi đất để ổn định cuộc sống cho người có đất thu hồi; giải quyết tồn tại, vướng mắc liên quan; hạn chế, không để phát sinh khiếu kiện đông người...

Nguồn bài viết