Dầu Nga 'xoay' sang châu Á

1 năm trước 118
Dầu Nga xoay sang châu Á - Ảnh 1.

Các tàu chở dầu di chuyển dọc theo vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka (Nga) vào hôm 12-8 - Ảnh: REUTERS

Hôm 24-8, Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ một quan chức phương Tây cho biết Nga đã và đang tiếp cận một số nước châu Á để thảo luận về khả năng ký kết các hợp đồng dầu mỏ dài hạn với giá giảm tới 30%, trong lúc Mỹ thúc đẩy kế hoạch áp giá trần với dầu Nga.

Nga giảm giá 30%

Bộ trưởng Du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia, ông Sandiaga Uno, tiết lộ Nga đã đề xuất bán dầu "với giá thấp hơn 30% so với giá trên thị trường thế giới" và Tổng thống Joko Widodo đang cân nhắc chuyện này. 

"Tuy nhiên, cũng có sự bất đồng ý kiến. Có người lo chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ" - ông Uno cho biết.

Rõ ràng trong lúc Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy giảm tiêu thụ dầu Nga, các khách hàng ở châu Á ngày càng quan trọng hơn với Matxcơva.

Dữ liệu tháng 7 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc 3 tháng liên tiếp. Lượng dầu thô Trung Quốc nhập từ Nga đạt 7,15 triệu tấn trong tháng 7, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, số dầu được tàu chở từ các cảng của Nga đến Singapore có thể đạt 350.000 tấn trong tháng này, sau khi không có chuyến hàng nào trong tháng 6 và tháng 7.

Hồi tháng 4, ông Putin nói với các bộ trưởng Nga rằng để bảo vệ đất nước trước "các quốc gia không thân thiện", Nga "cần lập kế hoạch với các công ty dầu khí để mở rộng cơ sở hạ tầng xuất khẩu sang các nước ở châu Phi, Mỹ Latin và khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Kế hoạch áp giá trần

EU đã giảm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ tháng 3 năm nay và nhất trí áp lệnh cấm toàn diện từ tháng 2-2023. Dữ liệu của Công ty Refinitiv cho thấy trong tháng 8 lượng dầu mỏ xuất từ Nga sang Hà Lan và Estonia đã giảm xuống bằng 0 sau khi được cung cấp lần lượt ở mức 365.000 tấn và 170.000 tấn hồi tháng 7.

Gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập dầu từ Matxcơva bằng đường biển, sẽ có hiệu lực từ ngày 5-12 tới. Giới chức Mỹ lo ngại điều này sẽ khiến giá dầu tăng cao và khi đó càng làm tăng lợi nhuận cho Nga.

Do đó, các quan chức phương Tây muốn thực hiện kế hoạch áp giá trần với dầu Nga trước khi vòng trừng phạt này có hiệu lực vào đầu tháng 12. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lập luận việc áp giá trần có thể khiến Nga mất nguồn thu cần thiết để phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời kiềm chế giá dầu ở mức vừa phải khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Các quan chức G7 vẫn đang thảo luận chi tiết về cách áp giá trần lên dầu Nga. Một số nước châu Âu ủng hộ đề xuất này. 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cách làm này sẽ chỉ hiệu quả nếu các nước châu Á, đặc biệt là các khách hàng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, đồng ý tham gia. Hiện tại, Ấn Độ do dự tham gia đề xuất này vì lo ngại mất đi cơ hội mua dầu thô giá rẻ của Nga.

"Càng nhiều quốc gia tham gia liên minh áp giá trần thì cơ chế này càng hiệu quả. Nhưng nếu không có các nước lớn tham gia, hiệu quả sẽ tương đối khiêm tốn" - ông Jason Bordoff, chuyên gia chính sách năng lượng người Mỹ, nhận định.

Trung Đông và châu Phi cũng mua dầu Nga

Không chỉ với châu Á, lượng dầu Nga xuất đi Trung Đông và một số nước châu Phi cũng tăng lên. Ngay cả Saudi Arabia (nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới) cũng tăng gấp đôi lượng dầu nhập từ Nga trong quý 2 năm nay để phục vụ các nhà máy điện trong mùa hè.

Mỹ tin vẫn có thể áp giá trần với dầu Nga, Anh công bố gói trừng phạt mớiMỹ tin vẫn có thể áp giá trần với dầu Nga, Anh công bố gói trừng phạt mới

TTO - Một quan chức chính quyền Mỹ hy vọng mức giá trần trên toàn cầu đối với dầu của Nga sẽ được áp dụng vào tháng 12-2022. Trước đó, Nga đã tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu dầu nếu giá trần thấp hơn chi phí sản xuất.

Nguồn bài viết