Chuyện của Tết, của hoa và của Los Angeles năm COVID

3 năm trước 369
Chuyện của Tết, của hoa và của Los Angeles năm COVID - Ảnh 1.

Tụ tập làm bánh chưng

Mọi năm, gia đình tôi và một vài gia đình chơi với nhau hẹn gói bánh một buổi. Bọn trẻ con ríu rít hò reo còn người lớn tíu tít chuyện trò. Với tôi, Tết gói ghém vào không khí ấm cúng của những lần làm bánh như thế.

Dù háo hức đến mấy, năm nay tôi và bạn bè đều khá chần chừ khi quyết định tụ tập để gói bánh. Năm COVID mà. Los Angles và bang California nơi gia đình tôi sinh sống hiện là tâm điểm của dịch bệnh.

Như ngày hôm qua có hơn 10,000 ca nhiễm mới được ghi nhận ở California. Mới tháng trước thôi, người ta ước tính rằng cứ 10 phút trôi qua thì có một người chết vì COVID ở Los Angeles.

Dịch bệnh bùng phát đến mức hệ thống y tế ở Nam California ở mức báo động hồi tháng 1. Suốt mùa Giáng Sinh và Năm mới chúng tôi không dám đi đâu.

Có khi bức bí quá, tôi cũng lên kế hoạch đi roadtrip tới những vùng nông thôn vắng người để hai đứa trẻ nhà tôi được chạy nhảy và có một kỳ nghỉ sau gần một năm học online ở nhà. Thế mà, vì lo lắng cho sự an toàn của con, chúng tôi phải quyết định hủy chuyến đi vào đêm trước ngày khởi hành.

Chuyện của Tết, của hoa và của Los Angeles năm COVID - Ảnh 2.

Những sản phẩm của buổi tụ tập gói bánh cho đỡ nhớ cái tết thuần Việt

Có lẽ sau nhiều lần hủy kế hoạch và thất hứa với bọn trẻ con, nên lần này gia đình tôi quyết định tham gia gói bánh cùng một vài người bạn mà mình biết rất cẩn trọng đề phòng COVID. Tết là dịp đoàn viên và sum vầy.

Với những gia đình xa quê như chúng tôi, dịp gói bánh là một trong những thời điểm sum vầy nhất bên bạn bè. Mỗi gia đình một việc, người rửa lá, người ngâm nếp, người ướp thịt hấp đỗ từ hôm trước.

Đến ngày gói bánh, vợ chồng con cái đem nguyên liệu đã chuẩn bị đến. Bọn trẻ con xì xồ nói chuyện, tiếng Anh tiếng Việt đan xem, giọng Bắc Trung Nam lẫn lộn, có khi chẳng hiểu phương ngữ của nhau.

Nhưng với tôi, khoảnh khắc ấy thấm đẫm ý vị của Tết Việt. Con cái tôi được sống trong sinh hoạt truyền thống của quê hương và cảm nhận rằng mình thuộc-về một giá trị tinh thần văn hoá khác biệt và cần nâng niu khi sống ở nước ngoài.  

Hôm qua nhà tôi thức đến gần nửa đêm để trông nồi bánh chưng. Dù hơn 23h đêm, cả nhà không đừng được phải cắt ngay một chiếc bánh nóng hổi để thưởng thức. 

Gia đình tôi vừa ăn bánh vừa xếp lịch đi chợ Việt ở quận Cam để mua giò chả và các món truyền thống vào giữa tuần để tránh đông người. 

Năm nay dịch dã, có lẽ nhà tôi sẽ không đi lễ chùa như mọi năm. Nhưng có vẻ không bận lòng lắm, con gái 5 tuổi của tôi đã háo hức lấy áo dài ra mặc và tự du xuân… trong nhà.

Còn tôi, dù là năm COVID, vẫn như mọi năm tôi sẽ chuẩn bị một mâm cúng giao thừa. Mâm cúng có đủ gà, xôi, chè và hoa quả như ở mẹ tôi vẫn đặt ở nhà. Mâm hoa quả mứt thường để suốt ba ngày Tết.

Dù những suốt Tết gia đình tôi vẫn làm việc và đi học bình thường, sự hiện diện của mâm lễ là một sự nhắc nhớ với vợ chồng tôi và các con về nguồn cội, về những người thân thương đã mất, về những giá trị thiêng liêng không hữu hình nhưng luôn hiện diện.

Giữa đại dịch, Tết trở thành nơi cư trú an yên. Giữa những chuỗi mệt nhoài, lo toan, và bất an ngày nối ngày suốt một năm ở nhà làm việc và trông con, tâm trí tôi tìm thấy phút giây tĩnh tại khi nghĩ đến việc đi chợ mua một bó lay ơn đỏ bày vào dịp Tết.

Một năm chứng kiến bạn bè và hàng xóm thất nghiệp, nhiễm COVID-19, tôi thầm biết ơn rằng mình vẫn có một cái Tết ấm no bên cạnh những người mình thương yêu nhất.

Dù lòng vẫn ngổn ngang vì lo không biết bao giờ mới hết dịch, tôi nhủ lòng gác lại hoang mang như một cách một dọn lòng đón Tết.

Ngoài kia, thành phố Los Angeles thưa người hơn, buồn bã và mệt mỏi hơn vì COVID nhưng giữa lòng thành phố, hoa vẫn nở bung điềm nhiên và dịu dàng gieo hi vọng.

Tết châu Á khác lạ giữa đại dịchTết châu Á khác lạ giữa đại dịch

TTO - Dù lo lắng dịch bệnh, người dân ở các nước châu Á vẫn đang đếm từng ngày để có cái tết đoàn viên bên gia đình. Đại dịch tuy hạn chế con người đi lại nhưng không ngăn được trái tim xích lại gần nhau khi tết đến xuân về.

Nguồn bài viết