Bữa đói bữa no lên giảng đường

1 năm trước 95
Bữa đói bữa no lên giảng đường - Ảnh 1.

Một mình giữa Hà Nội, Liễu đã xin được một chân phụ việc ở quán ăn để tự trang trải cuộc sống xa nhà - Ảnh: V.TUẤN

Hành trình để Lý Thị Liễu đi từ bản làng Pắc Ma (xã Mường Tè, huyện Mường Tè, Lai Châu) heo hút xuống thủ đô, trở thành tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chẳng mấy dễ dàng. 

Ông bà nội nhất quyết phản đối không cho bạn đi học. Cả đời quanh quẩn với nương rẫy, họ chỉ mong đứa cháu gái hết lớp 12 đi làm công nhân như bao đứa trẻ ở bản, sẽ nhanh có tiền phụ giúp gia đình.

Tôi không có con đường nào khác và sẽ cố gắng học tốt nhất có thể. Dù mọi thứ khó khăn thế nào, tôi cũng không bỏ cuộc.

LÝ THỊ LIỄU

Bạn bè đùm bọc nhau

Nhưng Liễu kiên quyết phải đi học. Không cản được cháu, bà nội chạy vạy khắp nơi, xin vay ngân hàng để Liễu có tiền đi học. Cô gái vốn tự lập cũng "giao kèo" với bà xin vay lại số tiền đó rồi sẽ ráng kiếm tiền để trả nợ.

Trước ngày nhập học, Liễu "nằm vùng" ở các nhóm tìm nhà trọ, tìm việc làm thêm trên mạng. Cuối tháng 8, một mình khăn gói xuống Hà Nội và chỉ một ngày sau, bạn đã tìm được chân làm thêm cho một quán ăn. Mỗi ngày làm liên tục hai ca sáng - chiều, tiền công 18.000 đồng/giờ.

Cầm trên tay tháng lương đầu tiên 3,1 triệu đồng, Liễu không giấu được hạnh phúc với những đồng tiền đầu đời tự kiếm được. 

Cô học trò nghèo nhẩm tính, số tiền vay 10 triệu đồng sẽ nộp học phí 7 triệu đồng, phần còn lại cộng với số tiền tích cóp sẽ mua chiếc máy tính cũ để vừa học vừa kiếm thêm việc làm. Liễu còn lên mạng kiếm được chỗ bán chiếc xe đạp điện cũ, mặc cả thêm và mua được với giá rẻ bèo!

Thành phố chi phí đắt đỏ, những ngày qua Liễu đang cố tập quen với cuộc sống. Căn phòng trọ nhỏ xíu, Liễu ở chung với hai người bạn để đỡ tiền phòng. Cô bảo may mắn những ngày qua được các bạn cưu mang, cô không còn bụng đói đến trường, đi làm như trước. 

"Gia đình bạn gửi thức ăn lên Hà Nội nên tôi "ăn ké". Tôi rửa bát, nấu cơm, lúc có lương, tôi xung phong đi chợ để bạn không phải ra tiền" - Liễu bộc bạch.

Cô tân sinh viên thật thà nói "không biết tiền đi đâu hết". Ban đầu cứ nghĩ nộp học phí là xong. Nhưng rồi tiền đồng phục, quỹ lớp, giáo trình, tài liệu, gửi xe, thậm chí mua chăn màn mỗi thứ một tí cộng lại thành khoản tiền lớn. 

Hôm biết mình sẽ được học bổng "Tiếp sức đến trường", Liễu không giấu được niềm vui vì trong túi lúc đó còn vỏn vẹn 3.000 đồng để gửi xe, cố cầm cự mấy ngày đợi lương về.

Tôi phải học

Mẹ mất sớm, bố tái hôn nhưng cuộc sống cũng khốn khó, từ nhỏ Liễu đã ở cùng ông bà nội. Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, mỗi tháng thu nhập chưa tới 500.000 đồng. Để có tiền đi học, Liễu cùng mấy đứa trẻ trong bản đi nhặt ve chai, lượm sắt vụn, hái bông chít đem bán.

Đường sá xa xôi vất vả nhưng chưa một ngày nào Liễu bỏ học. Ngày bé, bạn đi bộ đến trường. Lên phổ thông, Liễu đi học trường ở trung tâm huyện cách bản khoảng 50km, họa hoằn mới được về thăm ông bà vì đi lại quá khó khăn.

Ở bản, hầu hết những đứa trẻ không được đi học, rất nhiều cô gái dân tộc ở bản phải lấy chồng, sinh con sớm. Nhưng điều cô bạn ấy lo nhất chính là khi xung quanh bản tệ nạn ma túy vẫn còn khá nóng, nhiều người đã dính vào nghiện ngập, trộm cắp, vướng vào vòng lao lý. "Nếu không đi học làm sao tôi thoát khỏi đây, làm sao thoát khỏi cảnh ấy?" - Liễu trăn trở.

Nỗ lực 12 năm đèn sách của Liễu được đền đáp bằng số điểm cao kỳ thi THPT và trúng tuyển đại học. Những ngày trên ghế giảng đường, nhiều lần cô gái tự hỏi về con đường phía trước. Ông bà mỗi ngày càng già yếu, có thể năm đầu tự lo được, liệu rồi năm hai, năm ba sẽ thế nào?

Hơn một tháng làm thêm quần quật, sức vóc của cô gái vốn nhỏ nhắn càng giảm sút, hai bàn tay cũng thêm vài nốt chai sần. 

Nhưng Liễu lo nếu thời gian làm thêm nhiều quá cũng sợ ảnh hưởng việc học, nên tranh thủ năm đầu lịch còn tương đối rảnh, Liễu dành thời gian tối đi làm, còn buổi sáng ưu tiên cho việc học, trưa tranh thủ ôn bài luôn.

Dù chặng đường phía trước còn gian nan lắm, lại một mình giữa thủ đô đắt đỏ nhưng cô gái mồ côi mẹ xác định có khó đến mấy cũng không ngừng cố gắng để thoát nghèo.

83 học bổng cho 6 tỉnh Tây Bắc

Hôm nay (15-11), Tuổi Trẻ phối hợp cùng các tỉnh đoàn Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 83 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của khu vực Tây Bắc.

Tổng kinh phí được Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ cho chương trình "Tiếp sức đến trường" 2022 là hơn 3,5 tỉ đồng.

Trong đó có 1,2 tỉ đồng dành cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khu vực Tây Bắc. Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cũng tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam còn tặng bốn laptop cho các tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập tại buổi lễ này. Đồng thời, bạn đọc thân thiết của báo Tuổi Trẻ cũng ủng hộ năm bộ máy tính cho các bạn tân sinh viên khó khăn của tỉnh Sơn La.

Cùng nhau nuôi em Mường LátCùng nhau nuôi em Mường Lát

TTO - Dự án 'Cùng nhau nuôi em Mường Lát' vừa được Đoàn khối ngân hàng TP.HCM cùng Huyện Đoàn Mường Lát, CLB thiện nguyện và hiến máu Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) phối hợp thực hiện.

Nguồn bài viết