Bạc Liêu quan tâm chăm lo gia đình chính sách, người có công 

1 năm trước 160

Những việc làm thiết thực, cụ thể, như hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách; nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh hạng 1/4, 2/4… đã phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giúp các gia đình chính sách, người có công vươn lên có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.  

Chú thích ảnhBí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng thăm tặng quà ông Trương Văn Bạc, Thương binh 1/4, phường 5, thành phố Bạc Liêu.

Hàng trăm tỷ đồng chăm lo cho gia đình chính sách

Tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 71.000 đối tượng và thân nhân người có công với cách mạng. Hiện nay, 9.300 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với kinh phí chi trả hơn 160 tỷ đồng/năm.

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 7.280 căn nhà cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, trong đó thực hiện theo Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở tại Quyết định 22/2013/QĐ-TTg là 5.107 căn (4.354 căn xây mới; 753 căn sửa chữa), phát sinh ngoài đề án 2.173 căn. Các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành, kết thúc Đề án này vào ngày 30/12/2019. Qua thống kê, nhu cầu nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Bạc Liêu là 3.491 căn (1.805 căn xây mới; 1.686 căn sửa chữa); UBND tỉnh đã trình lên Bộ Xây dựng.

Bên cạnh việc xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, tỉnh cũng quan tâm xây dựng và tu sửa nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm, các công trình ghi công liệt sĩ với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm thể hiện lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ. Bạc Liêu hiện có 4 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có một nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và 3 nghĩa trang liệt sĩ huyện, thị xã, gồm: Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu, nghĩa trang liệt sĩ thị xã Giá Rai, nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Long và huyện Vĩnh Lợi.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo sửa chữa mộ và nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ với tổng kinh phí hơn 172 tỷ đồng. Hiện nay, các nghĩa trang liệt sĩ đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nguyện vọng của thân nhân khi đến thăm viếng. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Tỉnh đội tìm kiếm và quy tập được 34 hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. 

Thực hiện chế độ đầy đủ, kịp thời

Chú thích ảnhLãnh đạo thị xã Giá Rai thăm tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hai ở xã Phong Thạnh Tây. 

Ngoài nguồn ngân sách, các cấp, các ngành trong tỉnh còn tích cực vận động nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo, giúp đỡ những gia đình chính sách vươn lên. Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai chia sẻ, cùng với thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ cho đối tượng chính sách theo quy định, địa phương còn vận động hỗ trợ thêm mỗi Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh hạng 1/4 mỗi tháng thêm 1 triệu đồng. Việc nâng cao đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công được địa phương xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện xuyên suốt. Nhờ vậy, đời sống của đối tượng chính sách trên địa bàn đã vươn lên ở mức khá so với mức sống bình quân. 

Trường hợp của ông Bùi Thanh Hộ, thương binh 4/4 ở ấp 6, xã Phong Thạnh Tây là ví dụ. Ông Hộ năm nay 70 tuổi, những vết thương do chiến tranh để lại cùng với tuổi cao nên sức khỏe của ông suy giảm nhiều. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, ông Hộ đã thực hiện thành công mô hình nuôi tôm quảng canh. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm với 3 ha nuôi tôm quảng canh kết hợp, ông Hộ cũng có thu nhập trên 200 triệu đồng. Đời sống kinh tế gia đình vì vậy mà ngày càng khấm khá hơn.

Nói về cuộc sống hiện tại, ông Hộ chia sẻ: “Nếu không được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, gia đình tôi sẽ không có cuộc sống khá giả như bây giờ. Nhà cửa xây dựng khang trang, các phương tiện vật dụng thiết yếu phục vụ gia đình hầu như chẳng thiếu thứ gì”.

Tương tự, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hai ở xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai có 4 người con, 2 người hy sinh, 2 người là thương binh. Năm nay, mẹ đã 97 tuổi, dù sức khỏe suy giảm nhiều nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn. Mẹ cho biết, ngoài chế độ của Nhà nước, địa phương còn hỗ trợ mẹ mỗi tháng 1 triệu đồng từ nguồn vận động các doanh nghiệp trên địa bàn. Mẹ rất vui với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bản thân và gia đình.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân

Chú thích ảnhĐiện Lực tỉnh Bạc Liêu trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều cho biết, chăm lo các đối tượng chính sách là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt với lòng biết ơn, trân trọng các đối tượng chính sách và người có công. Ngoài các quy định chung của Trung ương, Bạc Liêu còn có những quy định riêng dành cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh hạng 1/4, 2/4. Trung bình mỗi năm, tỉnh vận động trên 100 tỷ đồng để chăm lo cho các đối tượng chính sách. Đến nay, 100% đối tượng chính sách, người có công với cách mạng ở Bạc Liêu đều có cuộc sống trên mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Tỉnh phấn đấu nâng cao mức sống của các đối tượng này lên mức khá so với mức sống của cộng đồng trong năm 2023. Để thực hiện mục tiêu này, Bạc Liêu tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi cho đối tượng người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân với phương châm là quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp hy sinh của những người có công và thân nhân gia đình họ; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác đền ơn đáp nghĩa thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên thế hệ trẻ… Tỉnh cũng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng phát triển kinh tế, gương mẫu trong học tập, lao động sản xuất, quản lý xã hội, xứng đáng là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Thực hiện tốt chính sách đối với người có công được tỉnh Bạc Liêu xác định vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa bảo đảm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Những việc làm thiết thực của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội.

Nguồn bài viết