Đồng hành cùng nông dân sản xuất an toàn

1 năm trước 206

Đồng thời theo các số liệu công bố thuốc BVTV hóa học được sử dụng tại ĐBSCL đang cao hơn mức trung bình toàn quốc là 71,9%, trong đó phải kể đến Tiền Giang, Đồng Tháp có mức sử dụng thuốc BVTV hóa học gấp xấp xỉ 3 lần so với trung bình toàn quốc. 

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV tại đây lại được đánh giá chưa hiệu quả khiến chất lượng và giá trị nông sản chưa thực sự bền vững. Đáng chú ý, có tình trạng “lách luật” đưa các hoạt chất thuốc BVTV có tác dụng phòng trừ sinh vật gây hại vào các cửa hàng vật tư nông nghiệp để bán dưới dạng chế phẩm đăng ký với cơ quan Y tế tại nhiều địa phương gây đến hiểu nhầm và sử dụng sai mục đích, kỹ thuật làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và an toàn thực phẩm. Việc thu gom bao bì, thuốc BVTV đã được triển khai nhưng chưa rộng khắp ở các địa phương, nhiều nơi còn chưa chú trọng đến công tác này. Ngoài ra, các điểm thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng chỉ tập trung chính ở các vùng sản xuất lúa mà chưa triển khai rộng ở các vườn cây ăn trái, rau màu và các cây trồng khác. 

Chú thích ảnhCác cán bộ khảo sát lắp đặt bình chứa tại Mô hình sử dụng thuốc BVTV tại huyện Lấp Vò

Trước thực trạng đó, tháng 12/2021, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN &PTNT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án về hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2026. Chương trình hoạt động 2021 - 2022 đánh dấu năm đầu tiên triển khai dự án này.
Mục tiêu chung của dự án là hỗ trợ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp tiếp cận và nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV và phòng trừ dịch hại; tăng cường mức độ hiểu biết của họ về vai trò của thuốc BVTV; trang bị những kỹ năng cần thiết để sử dụng phẩm thuốc BVTV có trách nhiệm hơn, vừa phát huy hiệu quả của các sản phẩm thuốc BVTV, vừa duy trì môi trường xanh, sạch đồng thời bảo vệ sức khoẻ của chính họ, gia đình họ và cộng đồng xung quanh. 

Chú thích ảnhTập huấn cho đại lý tại Lấp Vò, Lai Vung.

Với cách thức tiếp cận đa dạng và nhiều hoạt động đề cập tới các khía cạnh khác nhau của sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, dự án cũng kỳ vọng sẽ dần hình thành cho nông dân tại tỉnh thói quen sử dụng thuốc và làm nông một cách có trách nhiệm; giảm tình trạng lạm dụng thuốc; đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng và để cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. 

Đây cũng được xem là một dự án thí điểm với mong muốn rằng các lợi ích và kết quả đạt được của dự án sẽ tạo động lực để các hoạt động tương tự sẽ được nhân rộng tại các địa bàn lân cận thuộc khu vực ĐBSCL – khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước. 

Trong giai đoạn 2021 – 2022, chương trình đã đã được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt,  hai mô hình về sử dụng thuốc BVT trên một số cây trồng chủ lực của địa phương, nhằm tạo ra những mô hình thí điểm, hướng dẫn nông dân lựa chọn và sử dụng hiệu quả vật tư nông nghiệp đầu vào, trong đó có thuốc BVTV để sản xuất và kiểm soát dịch hại hiệu quả, trong khi vẫn bảo vệ môi trường sinh thái, sức khoẻ của nông dân và cộng đồng xung quanh cũng như đảm bảo chất lượng nông sản đầu ra phù hợp với các tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng trong nước… đã được triển khai thành công. 
Điểm khác biệt của các hoạt động hướng dẫn tập huấn tại mỗi mô hình này đó là cán bộ sẽ “cầm tay chỉ việc”, không chỉ cung cấp các kiến thức chung liên quan tới sử dụng thuốc BVTV nói chung, các cán bộ kỹ thuật của tỉnh và công ty sẽ hướng dẫn thực hành thực tế trên đồng ruộng thông qua các các lớp tập huấn chuyên sâu cho nông dân chia thành 3 đợt: đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ. Tại các mô hình, những bể chứa để thu gom thuốc BVTV sẽ được bố trí để hướng dẫn nông dân cách thức xử lý và thu gom bao gói thuốc BVTV đúng cách.

Chú thích ảnhMô hình sử dụng thuốc BVTV trên lúa tại Lấp Vò.

Với mô hình Lúa tại huyện Lấp Vò, đã có sự tham gia của 339 hộ nông dân trên tổng số 240 ha. Nông dân tham gia mô hình đã được tập huấn 2 lần/vụ về các nội dung: hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trên các cây trồng chủ lực; thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử  dụng; quy trình phòng trừ sinh vật gây hại trên các cây trồng chủ lực cho các vùng trồng trọng điểm nhằm mục đích sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, phân hữu cơ, sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả…  Triển khai mô hình, chương trình cũng đã lắp đặt 15 bể chứa bao gói thuốc BVTV tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò; tổ chức đợt ra quân thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV tại Lấp Vò với tổng số lượng rác thải BVTV đã thu gom là 237 kg.

Còn với mô hình Hoa kiểng tại huyện Sa Đéc (đang triển khai), có sự tham gia của 150 hộ nông dân trên tổng số 50 ha. Chương trình đã lắp đặt 30 bể chứa bao gói thuốc BVTV tại xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc. Đặc biệt, với mô hình này, UBND thành phố Sa Đéc đã có văn bản thống nhất đối với việc xây dựng khu vực lưu chứa rác thải bảo vệ thực vật sau sử dụng và giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố triển khai thực hiện.

Khẳng định về hiệu quả của chương trình, ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục Trưởng Cục BVTV cho biết: “Triển khai chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại Đồng Tháp và tại nhiều địa phương là nhiệm vụ tiên quyết của ngành bảo vệ thực vật. Thứ nhất, công tác này giúp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đang hiện hành tới bà con nông dân, chính quyền các cấp để cùng chung tay vận động và tăng cường nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng vật tư nông nghiệp nói chung, trong đó có thuốc BVTV an toàn - hiệu quả, từ đó giảm thiểu rủi ro trong tiêu dùng, rủi ro về sức khỏe và môi trường sinh thái cũng như nâng cao giá trị nông sản. Thứ hai, khi áp dụng quy trình sản xuất bền vững, sử dụng thuốc BVTV đúng cách, bà con nông dân có thể tiết kiệm chi phí vật tư đầu vào đặc biệt trong tình hình bão giá hiện nay. Thứ ba, những hoạt động này sẽ tăng cường sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp: từ việc nâng cao năng lực của cán bộ địa phương trong hoạt động hướng dẫn, giám sát nông dân sử dụng thuốc BVTV tới công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng thuốc BVTV trên thị trường; kết nối chính quyền địa phương với các đại lý giúp họ hiểu hơn trách nhiệm, quyền lợi trong việc thay mặt các cơ quan chức năng hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp một cách bền vững. Cuối cùng, đối tượng trực tiếp được hưởng lợi là nông dân - đặc biệt trong việc bảo vệ sức khỏe của chính họ, gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, và cải thiện thu nhập”.

Ngoài hai mô hình này, chương trình cũng đã tổ chức thành công 18 lớp tập huấn cho 540 nông dân, 2 lớp tập huấn cho 129 đại lý bán thuốc tại Thanh Bình và Tháp Mười và 1 tập huấn trực tuyến cho 50 cán bộ tại tỉnh Đồng Tháp. Cung cấp 1500 bộ thiết bị bảo hộ cá nhân để phun thuốc cho nông dân. Hoàn thiện thiết kế, sản xuất và cấp phát 1200 tờ rơi và 240 áp phích về hướng dẫn sử dụng thuốc cho nông dân và đại lý tại 12 huyện, thành phố tại Đồng Tháp; hoàn thiện lắp đặt bộ 8 pano về sử dụng và thu gom thuốc BVTV tại 2 mô hình Lấp Vò và Sa Đéc. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức 10/24 cuộc phát động thu gom bao gói thuốc BVTV với 700 nông dân tham gia và tổng lượng rác thải thuốc BVTV đã thu gom là 3.857 kg
Nguồn bài viết