Đại dương không rác thải nhựa - bắt đầu từ những ý tưởng sáng tạo nhỏ

3 năm trước 365
Chú thích ảnhRác thải nhựa dạt vào khu vực bãi biển ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam). Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Với trung bình mỗi một người dân thải ra hơn 41 kg rác thải nhựa mỗi năm. Kết quả là hệ thống xử lý rác thải đô thị của Việt Nam phải cố gắng nhưng cũng không đáp ứng kịp với mức độ thải gia tăng, dẫn tới tình trạng dòng rác thải nhựa và các chất thải khác đổ vào các sông, hồ nội địa và đổ ra biển dọc theo hơn 3.300 km bờ biển của đất nước, qua địa bàn 28 tỉnh, thành phố.

Rác thải nhựa - làn sóng ô nhiễm mới 

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Nhận thức về vấn đề đó đang ngày càng nâng cao, với việc Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương cùng hành động để đảo ngược làn sóng rác thải nhựa, trong đó thực hiện theo Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 được ban hành vào cuối năm 2019.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa. Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, khu vực ven biển cũng như đại dương.

Theo các báo cáo và nghiên cứu gần đây, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 5 nghìn tỷ túi nilon sử dụng một lần; khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Hiện nay, mức tiêu thụ nhựa bình quân 43kg/người so với năm 1974 chỉ khoảng 2 kg. Nếu xu hướng này tiếp diễn, đến năm 2050, ước tính 25 tỷ tấn nhựa được sản xuất và theo đó khoảng 13 tỷ tấn được thải bỏ trở thành rác thải. Theo kịch bản thường, đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ kèm theo khoảng 1 tấn rác thải ở các đại dương. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm, các nghiên cứu quốc tế chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở tốp đầu với khoảng 0,3-0,8 triệu tấn/năm. Nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải khổng lồ của Việt Nam phát thải vào đại dương là do phương thức sản xuất hàng hóa, cách thức quản lý, năng lực xử lý rác nhựa và ý thức của người dân cũng như doanh nghiệp.

Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao bì của Việt Nam và dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ.

Nhiều ý tưởng sáng tạo giảm thiểu rác nhựa biển

Trước thực trạng về rác nhựa biển, thanh niên nhiều nơi đã nghiên cứu, có những ý tưởng sáng tạo thiết thực đưa vào cộng đồng nhằm giảm lượng rác thải nhựa đại dương. Có 3 ý tưởng đạt giải Nhất tại cuộc thi “Thanh niên Việt Nam vì một đại dương không rác thải nhựa” do Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp tổ chức cuối năm 2020. Với giải thưởng 70 triệu đồng, các nhóm tác giả sẽ hiện thực hóa ý tưởng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An (Quảng Nam) trong năm 2021.

Với mục tiêu đem ý tưởng chuyển thành thực tế để giúp ích cho nhiều người, các thành viên của nhóm Green River đã tìm ra những giải pháp làm sạch dòng nước đang bị ô nhiễm bởi rác thải bằng những điều khác biệt.

Đại diện nhóm Green River Huỳnh Ngọc Thái Anh cho biết, phần lớn các bãi biển đang bị ô nhiễm nhựa cao, trong đó Bãi Xếp trên và Bãi Bắc của Cù Lao Chàm được đánh giá là rất ô nhiễm. Các hoạt động du lịch đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hội An (Quảng Nam) nhưng cũng làm gia tăng lượng rác thải ra môi trường. Không những vậy, vị trí địa lý cùng ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt gần đây đã khiến lượng rác thải bị trôi dạt và mắc kẹt tại bờ biển Cửa Đại tăng cao.

Với phương châm "Sống xanh-sông sạch", nhóm Green River thiết kế và thi công máy thu gom rác WSCA1.0 tự động trên mặt nước, dần phát triển thành chiếc máy thu gom rác thông minh, áp dụng khoa học-kỹ thuật để thay thế mô hình truyền thống tốn nhiều sức lao động của con người. Với Green River, đây là cơ hội tuyệt vời để cùng nhau thử thách bản thân, hiện thực hóa ý tưởng và truyền cảm hứng sáng tạo cho những người trẻ.

Máy vớt rác WSCA1.0 hoạt động trên mặt nước sông, hồ tĩnh và mặt biển sóng nhẹ với chức năng chính là thu những rác nhựa và rác trôi nổi trên bề mặt nước. Chiếc máy này có thể chứa 50-75kg rác/1 lần, sử dụng năng lượng mặt trời, điều khiển từ xa thông qua sóng wifi, nâng cấp định vị GPS tự tìm rác, được tích hợp bộ điều khiển không dây từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Mô hình này không chỉ là sản phẩm khoa học công nghệ hướng đến giải quyết bài toán rác thải trên sông mà nhóm GreenRiver còn mong muốn WSCA1.0 đóng vai trò là một “Đại sứ công nghệ truyền thông môi trường”. Mô hình đơn giản, tối ưu, dễ dàng nhân rộng, chi phí rẻ và giảm ngay lượng rác thải nhựa tại nguồn, huy động được nguồn lực thực tế cho tính bền vững, lâu dài. Tính thực tế, khả thi cao vì mô hình đã được ứng dụng thành công tại các kênh truyền thông lớn như National Geographic. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển, sử dụng công nghệ camera quan trắc được lập trình trí tuệ nhân tạo để nhận dạng rác nổi và camera 360 xây dựng nội dung đa phương tiện thực tế ảo.

Với lượng rác thải tại Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) là 4-5 tấn/ngày, năm 2020 nhóm đã thực hiện dự án “Cham Green Ocean” nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên biển bằng phương pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo. Năm 2021 giải quyết 70% rác thải tại Cù Lao Chàm. Năm 2022 chế tạo 5 máy thu gom rác trên diện rộng. Đến năm 2025 dự án giải quyết 70% rác thải nhựa tại Cù Lao Chàm.

"Never say never" (Không từ bỏ) là khẩu hiệu của nhóm Storm gồm các nhà khoa học trẻ đến từ Đại học Đà Nẵng với ước mơ lan toả những điều tích cực nhắc nhở mọi người cùng nhau sống xanh. Và để hiện thực hóa điều đó, nhóm Storm đã tạo ra “đứa con” mang tên Biya-một bé robot đáng yêu có thể nói chuyện cùng mọi người. Nhiệm vụ của Biya là nhắc nhở bạn bảo vệ môi trường, cũng như thu gom và phân loại rác. Đặc biệt, Biya có sứ mệnh thay đổi nhận thức của con người.

Biya là robot trí tuệ nhân tạo có 3 ngăn thu rác thải nhựa và trò chuyện, cung cấp  thông tin về môi trường, du lịch để nâng cao nhận thức của người phát thải. Robot có thể điều chỉnh kích thước và hình dạng cổng nhận rác. Trước hết, nhóm đặt loại Daddy-Biya ở địa điểm cầu cảng. Trong tương lai, nhóm đặt Baby-Biya ở trường học và đặt Biya ở biển Cửa Đại và các điểm du lịch khác.

Theo đại diện nhóm Storm Trịnh Thanh Phú, quyết tâm xây dựng một thế hệ sống xanh trong tương lai, các thành viên thỏa sức trẻ để cống hiến, cùng làm, cùng trưởng thành qua các ý tưởng. Các đội kết nối với nhau, hy vọng tạo thành mạng lưới, biến các ý tưởng thành hành động, biến Cù Lao Chàm thành một địa điểm xanh, sạch, đẹp và mong muốn xa hơn, Việt Nam sẽ không còn rác thải nhựa.

Nhóm Làng chài bình yên đến từ Halo Hostel (Quy Nhơn, Bình Định) khơi nguồn ý tưởng “Thu gom rác đại dương bằng tri thức địa phương" từ nghề lưới đăng truyền thống của ngư dân Nhơn Lý. Ý tưởng xuất phát từ kinh nghiệm của những ngư dân đi biển và quan sát dòng nước. Ngư dân đi đánh cá bằng lưới truyền thống ở tầng nước mặt gần bờ trục vớt được nhiều rác, có thể tương đương hoặc bằng số cá vào mùa cao điểm dòng nước mạnh. Họ thấy rác nhựa có thể nhìn thấy ở tầng nước mặt trôi theo dòng nước do sóng, gió, cộng hưởng dòng hải lưu hay thủy triều lên xuống. Nguồn rác có thể tấp gần bờ hoặc xa bờ và liên tục bị nước cuốn đi.

Nhóm Làng chài bình yên dùng bẫy làm từ ngư cụ cũ, dựa vào sóng, gió và dòng hải lưu để gom rác trôi nổi, kết hợp mô hình du lịch trải nghiệm nhặt rác lặn ngắm san hô, góp phần giảm rác thải nhựa đại dương trên dọc bờ biển và các đảo ở Việt Nam, đặc biệt là vùng biển Nam Trung Bộ.

Thiết kế bẫy rác quen thuộc hướng tới sự đơn giản và hiệu quả. Lưới đánh cá cũ được cải tiến thành bẫy rác, chiều rộng 5m, có thể duy trì độ sâu từ 3-4m bởi lớp viền chì bên dưới, phía trên có phao nổi để giữ mép lưới luôn trên bề mặt, chặn được rác nhựa trôi trên tầng mặt. Phao được nhặt ở biển và trong các chài lưới cũ, được bố trí đan xen phao báo hiệu sắc màu, phản quang để các tàu có thể tránh từ xa. Lưới đánh cá truyền thống có thể vớt rác nhựa loại Macroplastic (>200mm).

Lưới được cố định lưới bằng các neo ở hai đầu, dây neo được thiết kế phía trên ngắn, phía dưới dài để tạo độ lệch một góc nhỏ hơn 30 độ so với mặt biển, giảm lực tác động của dòng nước lên lưới làm trôi mất lưới. Sự chéo lệch mép trên và dưới của lưới là phương pháp phòng tránh tàu bè trong trường hợp sự cố đụng phải lưới vẫn có thể sớm phát hiện để không nhấn chìm lưới.

Túi thu rác được cải tạo sao cho nhựa, rác được nước cuốn đẩy vào dễ dàng và ra khó khăn hơn. Một tấm lưới mềm chặn đầu đẩy thu rác có tác dụng như cửa một chiều để tăng diện tích hữu ích chứa rác.

Một ròng rọc đơn giản bằng dây bô tái sử dụng xung quanh túi giúp giảm công sức thu rác, cơ chế giống như cách thu chài lưới của người dân miền biển. Ngư dân hoặc người phụ trách có thể đổ rác vào thuyền và mang vào đất liền. Số lượng túi rác và chiều dài túi phụ thuộc chiều rộng mặt nước. Nhóm làm bẫy rác ở bãi Kỳ Co (Nhơn Lý-Quy Nhơn) có chiều dài bẫy là 200m và đặt cách bờ bán đảo khoảng 500m với 3 túi rác do lực nước đủ mạnh để chia nhỏ túi rác theo chiều dài, giảm sức thu gom.

Khối lượng rác thu được biến động theo mùa, lịch trình thu gom hằng ngày phụ thuộc thói quen và quan sát của người ngư dân và người phụ trách thu gom.

Ngư dân có thu nhập từ việc bán rác hoặc tạo điều kiện thúc đẩy ngành xử lý rác thải nhựa. Việc tái sử dụng ngư cụ giúp duy trì nghề chài lưới ven biển, nghề thu mua và sửa chữa ngư cụ cũ, một nghề giống như buôn bán đồ cũ ở miền xuôi.

Đại diện nhóm Làng chài bình yên Trần Thị Hồng Hiền chia sẻ, vấn đề quan trọng nhất là triển khai ý tưởng tưởng đạt hiệu quả cao nhất. Hiện tại, nhóm đang thực hiện ở Quy Nhơn, thời gian tới mở rộng ra Cù Lao Chàm. Dành được giải Nhất cuộc thi đã giúp nhóm có thêm kiến thức, kinh phí để thu gom được nhiều rác nhất, có ảnh hưởng đến nhiều người nhất, mở rộng ra được nhiều nơi nhất. Nhóm có cơ hội để mở khóa “Giáo dục sinh tồn ngoài biển” cho các học sinh, giáo dục thân thiện với môi trường, hòa nhập với thiên nhiên, có thể sống được trong môi trường biến đổi khí hậu, đồng thời giải quyết được vấn đề rác thải nhựa.

Nguồn bài viết