Đà Nẵng xem xét cho các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tự nguyện trả tiền

2 năm trước 234
Chú thích ảnhBí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu. 

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây áp lực lên các cơ sở điều trị. Do đó, các đơn vị chức năng cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để ngăn chặn, có giải pháp phù hợp trong công tác điều trị, hạn chế thấp nhất các ca tử vong.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị, ngành Y tế khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý cụ thế nếu F0 tăng cao. Trong đó, ngành cần lưu ý huy động lực lượng y tế tham gia, giảm tải cho lực lượng y tế phường, xã, quận, huyện; chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điều kiện phương án thành lập Bệnh viện dã chiến thứ 2. Sở Y tế huy động sự vào cuộc của các trung tâm y tế trong công tác điều trị, xem xét cho phép các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tự nguyện trả tiền; nhanh chóng thiết lập trạm y tế trong khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cần chuẩn bị các nguồn lực, thuốc men phục vụ công tác phòng, chống dịch, không được phép để thiếu nguồn sinh phẩm phục vụ việc xét nghiệm và phương tiện vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, hiện số ca mắc COVID-19 điều trị tại nhà còn thấp so với tổng số ca mắc. Do đó, các địa phương cần xác định việc điều trị ca mắc COVID-19 tại nhà là một trong những biện pháp bắt buộc và cơ bản hiện nay. Để làm tốt công tác này, các địa phương cần có sự phối hợp chặt giữa các ngành, chú trọng triển khai phần mềm quản lý, theo dõi điều trị F0 tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố cần tiến hành rà soát các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thời điểm trước trong và sau Tết, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Trần Thanh Thủy cho hay, số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, trung bình trên 300 ca/ngày.

“Nhằm đảm bảo cho công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, ngành Y tế thành phố đã tổ chức theo 3 tầng điều trị, với khả năng điều trị đáp ứng từ 4.000 - 5.000 giường bệnh; bố trí 150 - 250 giường điều trị ca bệnh nặng, đáp ứng đầy đủ các thiết bị, nhân lực”, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thủy thông tin.

Cũng theo bà Thủy, hiện việc triển khai điều trị ca mắc COVID-19 tại nhà đã được tổ chức 2 giai đoạn, đa số các ca F0 điều trị tại nhà đều thực hiện nghiêm túc, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Mặc dù thành phố đã nới lỏng các điều kiện điều trị tại nhà, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà vẫn còn thấp. Do đó, các địa phương cần tăng cường rà soát, có giải pháp tăng số bệnh nhân điều trị tại nhà, giảm áp lực cho các cơ sở y tế.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, bà Thủy cho biết, cuối tháng 12/2021, thành phố đã hoàn thành việc tiêm mũi 2, tuy nhiên vẫn có 18 ca bệnh nặng, trong đó 8 ca chưa tiêm, 2 ca tiêm 1 mũi. Những ca chưa tiêm đều nằm trong nhóm người lớn tuổi. Thời gian tới, ngành Y tế sẽ yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát kỹ người chưa được tiêm vaccine, vận động và tổ chức tiêm vét.

Từ 13 giờ ngày 9/1 đến 13 giờ ngày 10/1, thành phố ghi nhận 453 ca mắc COVID-19; trong đó, 8 ca cách ly tập trung, 183 ca cách ly tại nhà, 32 ca trong khu phong tỏa, 230 ca cộng đồng. Lũy tích từ ngày 21/12/2021 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.757 ca mắc COVID-19, trong đó 93 ca ngoại tỉnh.

Trong ngày 10/1, ngành Y tế tổ chức xét nghiệm cho 18.203 lượt người; các cơ sở y tế đang điều trị 1.983 bệnh nhân, có 100 bệnh nhân đang điều trị tại nhà.

Đến nay, Đà Nẵng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được 2.017.547 liều cho những người đủ điều kiện tiêm, trong đó 976.008 người tiêm mũi 1, 959.072 người tiêm mũi 2, 82.467 người tiêm mũi 3 (chiếm 9,5% người từ 18 tuổi trở lên).

Nguồn bài viết