'Ông lớn' nhà nước ngành ngân hàng, năng lượng sẽ cổ phần hóa, thoái vốn ra sao?

1 năm trước 77
Ông lớn nhà nước ngành ngân hàng, năng lượng sẽ cổ phần hóa, thoái vốn ra sao? - Ảnh 1.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ là một trong những doanh nghiệp thoái vốn theo phương án riêng - Ảnh: N.KHÁNH

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định về kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025. 

Quyết định của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước chững lại sau thời gian chịu tác động từ dịch COVID-19.

Theo đó, Nhà nước sẽ duy trì việc nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 195 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đến năm 2025. Thực hiện cổ phần hóa tại 19 doanh nghiệp và sắp xếp lại 5 đơn vị bằng hình thức giải thể, sáp nhập.

Với kế hoạch thoái vốn, quyết định vừa được ban hành thống nhất sẽ thực hiện thoái vốn với 141 doanh nghiệp. Trong đó đa phần là thoái toàn bộ vốn nhà nước, chủ yếu ở các địa phương.

Ngoài ra, có 126 công ty có kế hoạch giữ nguyên phần vốn nhà nước. Đơn cử như Ngân hàng Công Thương (64,46%), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (75,87%), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (95,40%)…

Đồng thời có 21 doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước sẽ được sắp xếp theo phương án riêng trong giai đoạn tới. Bao gồm các doanh nghiệp như Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện; 

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất; Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam…

Trong đó, riêng các ngân hàng sẽ thực hiện theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" của Thủ tướng và Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030.

Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ Y tế, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp không thuộc diện chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)... sẽ sắp xếp, cơ cấu lại theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Quyết định cũng nêu rõ, trường hợp doanh nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn, cổ phần hóa trước thời điểm 29-11-2022, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu điều chỉnh lại tỉ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ khi xây dựng phương án theo kế hoạch sắp xếp lại giai đoạn 2022 - 2025, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Với doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, thoái vốn thì thực hiện theo phương án đã được duyệt và tiếp tục lập phương án để thoái vốn theo tỉ lệ quy định.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, 180 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020, với quy mô vốn nhà nước được xác định lại tăng hơn 23% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Số doanh nghiệp này đã thoái được trên 27.310 tỉ đồng, thu về gần 177.400 tỉ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chững lại trong 3 năm gần dây.

Bộ Tài chính cho biết lũy kế 10 tháng đầu năm nay, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái được gần 527 tỉ đồng, thu về xấp xỉ 3.362 tỉ đồng trong 10 tháng đầu năm. Trong đó, SCIC đã bán vốn tại 19 doanh nghiệp với giá trị gần 212 tỉ đồng, thu về 796,5 tỉ; còn lại là vốn thoái tại các công ty con thuộc MobiFone, Tập đoàn Hóa chất...

 Chậm chạp, định giá không chính xácCổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Chậm chạp, định giá không chính xác

TTO - Ông Hồ Đức Phớc, bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết việc xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó có giá trị đất đai, khi cổ phần hóa thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Nguồn bài viết