Zoom 'ăn nên làm ra' trong đại dịch COVID-19

2 năm trước 314
Chú thích ảnh Biểu tượng ứng dụng họp trực tuyến Zoom trên màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Wall Street Journal số ra ngày 1/6 nhận định điều này cho thấy Zoom vẫn trên đà nối dài những thành công mà họ có được trong thời gian qua ngay cả vào thời điểm nhiều công ty đã bắt đầu quay trở lại văn phòng làm việc trực tiếp. 

Theo phóng viên TTXVN tại New York, từ năm 2020, Zoom đã trở thành cái tên quen thuộc với mọi gia đình, mọi doanh nghiệp sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến hầu hết các hoạt động hội nghị, gặp gỡ chỉ có thể tiến hành trực tuyến. Zoom hiện đặt mục tiêu đạt 3,98-3,99 tỷ USD doanh thu năm nay, cao hơn mức 3,76-3,78 tỷ USD công ty đặt ra trước đó. Công ty cũng kỳ vọng giá cổ phiếu của họ sẽ đạt 4,56-4,61 USD/cổ phiếu, cao hơn mức kỳ vọng trước đó là 3,59-3,65  USD/cổ phiếu. Bắt đầu lên sàn chứng khoán từ năm 2019, Zoom đã nhanh chóng nổi lên là một trong những công ty công nghệ thành công nhất, đánh bật cả những đối thủ lớn như Microsoft, sau khi cả thế giới phải chuyển đổi sang làm việc và học tập bằng hình thức trực tuyến. Số người dùng Zoom có trả phí tăng rất nhanh.

Số khách hàng doanh nghiệp có từ 10 nhân viên trở lên hiện đạt tới 497.000, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tới 31/1/2021, Zoom có khoảng 467.100 khách hàng doanh nghiệp có từ 10 nhân viên trở lên và khoảng 1.644 khách hàng trả trên 100.000 USD trong một năm.  Số khách hàng trả trên 100.000 USD trong 12 tháng qua hiện đã tăng lên 1.999.

Lợi nhuận quý I/2021 của Zoom đạt hơn 227 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với mức lợi nhuận 27 triệu USD tại thời điểm trước đó một năm. Doanh thu cùng kỳ đạt 956,2 triệu USD, cao hơn nhiều so với mức doanh thu 328,2 triệu USD một năm trước đó. Tờ Wall Street Journal nhận định kết quả đạt được này nằm ngoài dự báo  của cả Zoom cũng như của thị trường chứng khoán Phố Wall.

Zoom đã đầu tư rất mạnh để mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ của họ, đồng thời cung cấp tài khoản miễn phí cho người dùng cá nhân cũng như một số khu vực trường sở trong suốt thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. 

Giám đốc điều hành của Zoom, ông Eric Yuan, cho biết công ty ban đầu tập trung đáp ứng các nhu cầu hợp tác và liên lạc thiết yếu trong đại dịch COVID-19, làm phương tiện giúp các tổ chức và cá nhân tạo lập môi trường làm việc hiện đại ở mọi nơi, mọi lúc nhưng sau đó Zoom đã phát triển thành một nền tảng rộng hơn cung cấp nhiều dịch vụ khác như hội thảo trên web hay trò chuyện và ứng dụng cho các bên thứ ba.

Phát biểu ngày 1/6, ông Yuan nêu rõ công việc thời nay không còn giới hạn chỉ làm ở một chỗ cụ thể mà đó là một không gian mở mà ở đó, Zoom có thể hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kết nối mọi nơi, mọi lúc và đưa ra những ý tưởng sáng tạo hay nhất có thể. 

Kể từ cuối tháng 3 vừa qua, Zoom đã bắt đầu bán công nghệ hội nghị trực tuyến cho các công ty khác để họ có thể tích hợp vào các chương trình của riêng họ, tức là các sự kiện hội nghị trực tuyến đó sẽ vẫn chạy trên nền tảng Zoom, nhưng không mang thương hiệu Zoom nữa.

Nguồn bài viết