Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội các xã biên giới tỉnh Đồng Tháp

2 năm trước 328
Chú thích ảnhChủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu.

Tỉnh Đồng Tháp có đường biên giới quốc gia (Việt Nam - Campuchia) dài 48,7 km; hai cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà và 5 cửa khẩu phụ (Sở Thượng, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú và Thông Bình), có 8 xã biên giới. Đồng Tháp và tỉnh Prâyveng (Vương quốc Campuchia) có mối quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.

Qua 8 năm thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2020, thu nhập bình quân đầu người ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh từ 43 triệu đồng nay tăng hơn 48 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 17,43% giảm còn 3,29%. 

Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, 8 xã biên giới có tổng diện tích sản xuất lúa năm 2020 hơn 40 ngàn ha; sản lượng hơn 275 ngàn tấn. Diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày 1.789 ha. Tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 643 ngàn con. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 765 ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản hơn 85 ngàn tấn. Hiện nay, các xã biên giới đều có đường ô tô lưu thông đến trung tâm xã. 100% hộ sử dụng điện; 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.

Bên cạnh phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, các xã biên giới còn phát triển kinh tế biên mậu, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới hai tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) và tỉnh Prâyveng (Campuchia) đạt 120 triệu USD.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc phòng được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, mô hình hay như: mô hình “Tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc” gắn với mô hình “Tổ nhân dân tự quản” (21 tổ tự quản đường biên cột mốc với 432 thành viên); gắn, treo biển số điện thoại Công an xã, phường, thị trấn nơi công cộng; Trạm dừng chân nghĩa tình; Tổ Nhân dân tự quản; gắn kết chặt chẽ với phong trào xóa đói giảm nghèo; cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 

Nhiều mô hình cải thiện sinh kế, đảm bảo an ninh trật tự được hình thành và duy trì hoạt động qua các năm. Các mô hình giảm nghèo tiêu biểu như: “Mỗi chi Hội phụ nữ cơ sở giúp ít nhất một hội viên thoát nghèo” gắn với mô hình “3 hộ khá, giàu giúp một hộ thoát nghèo bền vững"; phong trào “Phụ nữ nghèo có địa chỉ"; cuộc vận động gia đình “5 không, 3 sạch”.

Tuy nhiên, đời sống của người dân trên địa bàn các xã biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ bình quân hộ nghèo năm 2020 vẫn còn khá cao so với mức bình quân chung của tỉnh là 1,86%. Nguyên nhân chủ yếu là đa số người dân biên giới thiếu tư liệu sản xuất, chưa có nhiều cơ sở, dự án đầu tư để thu hút việc làm tại chỗ và ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19.

Chú thích ảnhQuang cảnh buổi tổng kết.

Theo ông Trường Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, để phát triển mạnh kinh tế cho 8 xã biên giới, tỉnh cần tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu trong giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể là hỗ trợ vốn thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (giai đoạn 3) tại 5 cửa khẩu: Dinh Bà, Thường Phước, Bình Phú, Thông Bình và Mộc Rá với tổng kinh phí 350 tỷ đồng, trong đó bổ sung khoảng 50 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành 2 dự án bố trí ổn định dân cư Giồng Dúi - Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự và dự án bố trí ổn định dân cư Dinh Bà, huyện Tân Hồng.

Mục tiêu chung của tỉnh Đồng Tháp là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng 8 xã biên giới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, các hộ nghèo đều có nhà bán kiên cố trở lên, giữ vững an ninh, trật tự xã hội, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển bền vững; góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội khu vực biên giới giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI. Tỉnh phấn đấu 8/8 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2020 là tiền đề để đưa các nội dung vào dự thảo kết luận về phát triển kinh tế khu vực biên giới trong giai đoạn mới. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế biên giới và xem đây là động lực phát triển của tỉnh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành và các địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiên cứu giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giúp người dân gắn bó nhiều hơn ở khu vực biên giới; tăng cường mối quan hệ với Campuchia.

Chú thích ảnhTặng bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen 25 tập thể và 47 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2020.

Nguồn bài viết