Trạm y tế lưu động - cánh tay nối dài của y tế cơ sở: Bài 1- Chủ động cứu chữa nhanh nhất

2 năm trước 639

Việc triển khai mô hình này bước đầu đã góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, từ đó tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, ngăn chặn được những ca tử vong khi không được cứu chữa kịp thời do các tuyến trên bị quá tải.

TTXVN có chùm 4 bài với chủ đề "Trạm y tế lưu động - cánh tay nối dài của y tế cơ sở", trong đó nêu bật vai trò trụ cột trạm y tế lưu động; các tình nguyện viên quên đi vất vả và cả hạnh phúc riêng, góp sức nhỏ bé để ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô.

Chú thích ảnhLấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại trạm y tế lưu động xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Bài 1 - Chủ động cứu chữa nhanh nhất

Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến rất gần nhưng biểu đồ về số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội vẫn hiển thị theo đường đi lên.

Cập nhật từ 18 giờ ngày 8/1 đến 18 giờ ngày 9/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.811 ca F0 tại 30 quận, huyện, thị xã. Nhận định diễn biến dịch phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại, Hà Nội đã xây dựng kịch bản cho số ca bệnh tăng hơn 4.000 ca/ngày.

Dù số ca bệnh tăng như vậy, nhưng trên đường phố đã vắng đi những tiếng còi hú của xe cứu thương vận chuyển F0 như những tháng trước đó. Điều này, tạo cảm giác an toàn cho mỗi người dân, đồng thời cũng cho thấy hiệu quả hoạt động của trạm y tế lưu động trải khắp tại Thủ đô để kịp thời cứu chữa nhanh nhất cho các bệnh nhân COVID-19.

Sẵn sàng lên đường khi người dân cần

Tại quận Ba Đình, ở những con ngõ nhỏ thuộc phường Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, Liễu Giai xuất hiện những tình nguyện viên của Trạm Y tế lưu động là phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh… trong bộ đồ bảo hộ y tế tất tả đi lại. Họ mang theo khi là túi thực phẩm, lúc thuốc điều trị, hay bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19... tới tất cả ngõ ngách nơi mà người dân đang cần sự hỗ trợ.

Anh D.K.T (40 tuổi, Khu tập thể Newteco phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) chưa tiêm vaccine và bị mắc COVID-19 từ ngày 1/1. Đêm 7/1, anh có dấu hiệu tăng nặng, khó thở, co rút người. Người thân trong nhà lo lắng, hoang mang lên mạng tìm kiếm thông tin về nơi cung cấp ô xy và gọi điện khắp nơi để nhờ trợ giúp.

Sau 20 phút, 2 nhân viên của Trạm Y tế lưu động của phường đã có mặt, mang theo vật tư y tế và bình ô xy. Hội chuẩn ít phút, các nhân viên y tế quyết định cho anh T lắp dây để thở ô xy. Nhờ đáp ứng tốt nên anh T đỡ khó thở, tỉnh táo dần. Cùng lúc này, cán bộ Trạm Y tế lưu động phường đã liên hệ để đưa anh T lên tuyến trên. Trong lúc chờ y tế tuyến trên, anh T tiếp tục được chỉ định lắp thêm bình ô xy nữa để thở.

Quá trình cấp cứu cho anh T mất hơn 3 tiếng, 2 nhân viên của Trạm Y tế phường luôn túc trực cho đến khi bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên.

Trong thời gian qua, số F0 trên địa bàn tăng mạnh, càng kiến cho đội ngũ y tế tuyến cơ sở vất vả để cứu chữa cho các bệnh nhân.

Theo chị Ngô Thùy Linh, thành viên của tổ hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ tại nhà thuộc Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc, trên địa bàn bắt đầu thực hiện điều trị F0 tại nhà từ ngày 20/12/2021. Tính đến ngày 8/1, địa bàn có 193 F0 đang điều trị tại nhà. Số F0 lớn nên những người làm “lưu động” như chị luôn phải chạy ngược xuôi để tiếp sức cho những người già yếu, trẻ nhỏ không kể ngày đêm.

Hàng ngày, các thành viên trong tổ đến nhà F0 để phát thuốc hoặc khi có những tình huống phát sinh như bệnh nhân khó thở, huyết áp tăng, ô xy trong máu giảm, cần sự hỗ trợ, những tình nguyện viên có mặt kịp thời hỗ trợ.

“Công việc của chúng tôi luôn đối mặt với nguy hiểm, với muôn hình vạn trạng các tình huống khó khăn nhưng không ai nề hà, sẵn sàng lên đường lao vào "vùng cam, vùng đỏ” khi người dân cần”, chị Ngô Thùy Linh chia sẻ trong khi vội vã mặc bộ đồ bảo hộ y tế để kịp lao đi trợ giúp F0 trên địa bàn.

Trạm Y tế lưu động phường Ngọc Khánh đóng tại Trường Mầm non Tuổi thơ (ngõ 24 phố Nguyễn Công Hoan) có quy mô 200 giường bệnh. Đây là trạm y tế lưu động đầu tiên được quận Ba Đình thiết lập theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tính đến trưa 9/1, Trạm đã tiếp nhận 443 bệnh nhân COVID-19 vào điều trị.

Nam y sĩ Lê Ngọc Thắng cho biết, Trạm đi vào hoạt động từ ngày 9/12 và làm việc không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Các nhân viên tại Trạm được phân công rõ ràng, ai vào việc nấy không có lúng túng khi thực hiện công việc. "Tâm trạng anh chị em làm việc vui vẻ, ai cũng xác định khắc phục khó khăn, làm việc hết mình để chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân được chu đáo" - Anh Lê Ngọc Thắng tự tin chia sẻ.

Tại phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa), chúng tôi đã chứng kiến sự vất vả của các thành viên Trạm Y tế lưu động ở đây. Trong một buổi sáng liên tục có các cuộc điện thoại được gọi đến nhờ tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà. Theo đó, các thành viên của Trạm chia nhau ra tư vấn cho các F0 qua Zalo. Nhóm khác mặc bộ đồ bảo hộ y tế đưa, phát thuốc cho các F0 thể nhẹ tại nhà. Từ sáng sớm đến đêm muộn, Trạm Y tế lưu động phường lúc nào cũng sáng đèn, sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn cho các F0.

Khích lệ tinh thần những “chiến binh”

Tại phường Ô Chợ Dừa nói riêng và nhiều phường xã khác trên địa bàn Thủ đô, trạm y tế lưu động đã điều trị khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân F0. Do đó, nhiều người dân đã coi trạm y tế lưu động là địa chỉ tin cậy. Riêng Trạm Y tế lưu động phường Ngọc Khánh đã chữa khỏi và cho về nhà 290 trường hợp, trong đó có 4 trẻ em.

Nhiều quận như Thanh Xuân, Đống Đa… cũng đã có hàng trăm bệnh nhân được "xuất trạm" sau những ngày được chăm sóc và điều trị tại trạm y tế lưu động trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Hiên (Đống Đa), người nhà của bệnh nhân F0 được phát thuốc tại nhà bày tỏ: “Khi mới xét nghiệm ra dương tính thì tâm lý của bệnh nhân đa phần rất hoang mang. Thực tế, có những bệnh nhân mệt hơn không phải vì bệnh mà vì tâm lý họ quá lo lắng nên cũng ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Chính vì thế, các tình nguyện viên luôn quan tâm đến việc trấn an tâm lý cho người bệnh đỡ căng thẳng, góp phần điều trị tốt hơn”.

Để kịp thời khích lệ, động viên các “chiến binh” tình nguyện, UBND quận Ba Đình vừa biểu dương khen thưởng 14 cá nhân đã xung phong làm nhiệm vụ tại trạm y tế lưu động đóng trên địa bàn phường Ngọc Khánh. Những cá nhân được khen thưởng là các y bác sĩ, đoàn viên thanh niên, viên chức đã không ngại rủi ro, khó khăn để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ quận và phường giao, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Theo ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, việc các tình nguyện viên viên làm việc tại trạm y tế lưu động thể hiện tinh thần vì cộng đồng rất cao, hoàn toàn làm việc vì tâm huyết trách nhiệm của công dân trước đại dịch, chứ không đòi hỏi chế độ, phụ cấp. Trong thời gian tới, quận sẽ xem xét thành lập thêm ba cơ sở nữa trên địa bàn nên rất cần những cá nhân có đủ điều kiện tham gia trạm ytế cộng đồng, điều trị và chăm sóc cho các ca F0 tại nhà.

Bài 2 - Lan tỏa những tấm lòng vì cộng đồng

Nguồn bài viết