Tin nổi bật ngày 5/3

3 năm trước 586
Chú thích ảnhĐa số người đến đăng ký là người trẻ tuổi, sức khoẻ tốt. Ảnh: Lê Phú

Thêm 6 ca mắc COVID-19 mới, đều là người nhập cảnh đã được cách ly ngay

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 5/3, Việt Nam ghi nhận 6 ca mắc mới, đều là ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tính đến 18 giờ ngày 5/3, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.572 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước; số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 879 ca.

Trong số 6 ca mắc mới trong ngày 5/3, có 1 ca nhập cảnh theo đường hàng không tại tỉnh Bình Dương và 5 ca nhập cảnh đường bộ vào tỉnh Tây Ninh (1 ca) và Kiên Giang (4 ca). Cụ thể, ca bệnh 2.489 (nữ, 52 tuổi) là công dân Việt Nam, địa chỉ tại xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Ngày 22/2, bệnh nhân nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 4/3  của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; hiện cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Ba ca bệnh số 2.490; 2.492 và 2.493 đều là công dân Việt Nam, từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu Hà Tiên ngày 3/3; đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả xét nghiệm ngày 4/3 của cả 3 người đều là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Trong đó, ca bệnh 2.490 (nữ, 28 tuổi), địa chỉ tại phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ca bệnh 2.492 (nữ, 24 tuổi), địa chỉ tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ca bệnh 2.493 (nữ, 24 tuổi), địa chỉ tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tiếp theo, ca bệnh 2.494 (nam, 43 tuổi), là chuyên gia, quốc tịch Trung Quốc.

Ngày 19/2, bệnh nhân từ Trung Quốc nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay BR391, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Bình Dương. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 4/3 của bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Đến nay, nước ta còn 49.565 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó, 1.290 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 14.199 cách ly tập trung tại cơ sở khác và 34.076 cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế, có 65 người đã âm tính lần đầu với SARS-CoV-2; có 57 người âm tính lần 2 và 137 người âm tính lần 3. Đã có 1.920 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Made in Vietnam thứ 2-COVIVAC

Đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine "Made in Vietnam" thứ 2- COVIVAC cho biết bắt đầu từ sáng 5/3 sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVIVAC, Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện thử nghiệm trên 150 tình nguyện viên khỏe mạnh, từ 18-59 tuổi, cư trú tại Hà Nội.

Chú thích ảnhTình nguyện viên đến tham gia đăng ký trực tiếp tại tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Sau khi khám sàng lọc đủ điều kiện, mỗi tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi 0,5ml, cách nhau 28 ngày. 150 người sẽ được chia thành 5 nhóm, trong đó 1 nhóm giả dược. Sau tiêm, ở lại theo dõi 24 giờ.

Mục tiêu giai đoạn 1 là đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc xin để chọn ra 2 nhóm liều tối ưu nhất, chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2. Mỗi tình nguyện viên sau tiêm vaccine sẽ được khám sức khỏe 8 lần trong 12 tháng, lấy mẫu máu 7 lần để đánh giá tình trạng sức khoẻ và đo lượng kháng thể sau tiêm. Mỗi lần đến thăm khám, mỗi tình nguyện viên sẽ nhận được 300.000 đồng hỗ trợ đi lại.

Riêng lần tiêm mũi 1 và 2, mỗi người sẽ nhận được lần lượt 1 triệu đồng và 500.000 đồng. Dự kiến sau khi giai đoạn 1 thực hiện được 43 ngày, nếu các kết quả đáp ứng tốt sẽ chuyển sang giai đoạn 2 với số lượng nghiên cứu 300 tình nguyện viên, thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, Thái Bình.

Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine COVIVAC của IVAC trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020 trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất. Đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vaccine COVIVAC đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan chấp thuận.

Vaccine COVIVAC là vắc xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc xin vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm. Các đánh giá tiền lâm sàng cho thấy, vaccine đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn, có hiệu quả ngăn ngừa biến thể của Anh và Nam Phi.

Sau 7 tháng nghiên cứu (từ tháng 5 đến tháng 12/2020), Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế đã sản xuất thành công 3 lô liên tiếp trên quy mô lớn, từ 50.000 - 100.000 liều mỗi lô. Giá dự kiến của loại vaccine này chỉ khoảng 60.000 đồng/liều.

Các lô vaccine dự tuyển thử nghiệm lâm sàng được đánh giá chất lượng tại nhà sản xuất và Viện Kiểm định quốc gia NICVB, và được NICVB cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng 6 lô vaccine thành phẩm. Vaccine COVIVAC cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong nước và nước ngoài. COVIVAC là vaccine ngừa COVID-19 thứ 2 của Việt Nam tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Trước đó vắc xin Nanocovax của công ty Nanogen đã hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 1, bước sang tiêm giai đoạn 2 từ ngày 26/2.

Có 367 người tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2

Sau một tuần triển khai tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm cho 367 tình nguyện viên, hoàn tất 65% mũi tiêm thử nghiệm giai đoạn này. Trong đó Học viện Quân y tiêm cho 120 người, trong đó có 30 người trên 60 tuổi. Các tình nguyện viên được tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax, mỗi mũi cách nhau 28 ngày. Nhóm nghiên cứu chưa ghi nhận phản ứng bất thường của các tình nguyện viên sau khi tiêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học (Học viện Quân y) cho biết, song song với việc tiêm vaccine cho tình nguyện viên, việc tuyển và khám sàng lọc người đăng ký thử nghiệm giai đoạn 2 cũng tiếp tục được triển khai. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 sẽ có trên 80 tình nguyện viên trên 60 tuổi tham gia. Hiện có hơn 800 người tham gia sàng tuyển, trong đó người cao tuổi nhất là 74 tuổi.

Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, cho biết: "Trong nhóm thử nghiệm giai đoạn 2 có người trên 60 tuổi và có bệnh nền, do vậy, chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống, luôn đặt tính an toàn lên cao, bảo vệ tính mạng cho các tình nguyện viên".

Trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia cùng các đơn vị tham gia thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 đã rút ngắn thời gian thử nghiệm; dự kiến đến tháng 5/2021 sẽ báo cáo sơ kết kết quả thử nghiệm. Sau tháng 5/2021, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng một liều tiêm; sau đó chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2, vừa tiêm giai đoạn 3.  Dự kiến, cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021, sẽ có 560 tình nguyện viên tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax.

Đến tháng 5, nhóm nghiên cứu sẽ có dữ liệu để báo cáo Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, trước khi chuyển sang giai đoạn 3 thử nghiệm đa quốc gia với số lượng 10.000 - 15.000 tình nguyện viên. Quá trình thử nghiệm lâm sàng Nano Covax được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Sau khi được cấp phép, dự kiến vaccine Nano Covax giá 120.000 đồng một liều sẽ được sản xuất với 50-70 triệu liều/năm.

Trước đó, ngày 26/2, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax tại Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Dự kiến, đợt này sẽ có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử, mở rộng đối tượng từ 12 đến trên 75 tuổi, trong đó, một số người có bệnh nền (như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1...) ở mức không quá nặng.  

Để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tổ chức tại 2 điểm cầu, có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, còn 3 tháng thay vì 6 tháng nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình, cũng như dữ liệu về khoa học. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Bộ Y tế thống nhất rằng giai đoạn 2 vẫn triển khai theo 3 mức liều như giai đoạn 1 để đảm bảo tính khoa học cũng như không mất liều tối ưu; đồng thời sẽ cộng thêm một nhóm "giả dược" (nhóm người không được tiêm vaccine) để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả, phân tích tính khoa học của vaccine.

Khởi tố Phan Văn Anh Vũ về tội đưa hối lộ

Ngày 5/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ" xảy ra tại Hà Nội; đồng thời khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) về tội "Đưa hối lộ" tại Điều 364 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chú thích ảnhPhan Văn Anh Vũ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) còn quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Hữu Hòa (sinh năm 1984, trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) về tội "Môi giới hối lộ" quy định tại Điều 365 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ", ngày 25/2/2021, đơn vị đã ban hành Quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự "Môi giới hối lộ" xảy ra tại thành phố Hà Nội được quy định tại Điều 365 - Bộ luật Hình sự năm 2015 và Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã thi hành các quyết định tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. Phan Văn Anh Vũ nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và hiện đang chấp hành nhiều bản án khác nhau, trong đó có các vụ án liên quan đến Ngân hàng Đông Á (DAB); vụ án làm lộ bí mật nhà nước; vụ án về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Bóc tách thành công sỏi niệu quản lớn cho bệnh nhân  

Các bác sĩ Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công, lấy viên sỏi bàng quang to bằng quả trứng của bệnh nhân bỏ quên sonde JJ (ống thông tiểu) suốt 9 năm trong niệu quản. Bệnh nhân H. T. H (86 tuổi, nữ, ngụ tại Đồng Tháp) nhập viện ngày 24/2 với chẩn đoán: Nhiễm trùng niệu, sỏi bàng quang còn sonde JJ đã bị đứt.

Chú thích ảnhNgày 5/3, bệnh nhân hồi phục tốt. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh nhân được tán sỏi niệu quản trái qua nội soi cách đây 9 năm tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau tán có đặt sonde JJ  và bác sĩ dặn trở lại bệnh viện tái khám để rút ống thông. Tuy nhiên, bệnh nhân ngại đi tái khám, lâu dần quên hẳn việc phải rút ống thông. Việc phẫu thuật lấy viên sỏi niệu quản kích thước lớn cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn vì cơ thể lão suy, kèm tiền sử đái tháo đường tuýp 2 lâu năm.

Ngày 1/3, ê-kíp các bác sĩ Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Khoa Phẫu thuật-Gây mê hồi sức đã thực hiện phẫu thuật lấy thành công viên sỏi bàng quang kích thước 5x4x5cm, có đầu sonde JJ nằm bên trong, thực hiện rút thành công sonde JJ. Thời gian phẫu thuật là 60 phút. Ngày 5/3, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, vết mổ khô, sinh tồn ổn định.

Theo Trưởng Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, bác sĩ Nguyễn Phước Lộc, sonde JJ được đặt để dẫn lưu niệu quản trong nhiều trường hợp sau mổ sỏi đường tiết niệu, tán sỏi thận qua da, sau tán sỏi niệu quản qua nội soi...

Thời gian rút do bác sĩ chỉ định, thời gian đặt sonde JJ lưu trong niệu quản tùy theo loại (có loại chỉ lưu được tối đa là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm). Có trường hợp bệnh nhân được đặt sonde nhưng nhiều lý do khác nhau (bệnh nhân không đi tái khám, quên việc phải rút ống thông...) nên ống thông bị “bỏ quên” trong cơ thể thời gian dài, gây nên sự lắng đọng và tạo sỏi. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải đối diện với nguy cơ đứt gãy sonde, gây viêm nhiễm đường tiết niệu.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi được điều trị ở bệnh viện cần chú ý tuân thủ lời dặn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn nhằm tránh các biến chứng đường tiết niệu do để ống thông quá lâu trong cơ thể.

Nguồn bài viết