Thừa Thiên-Huế: 14 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ

2 năm trước 197
Chú thích ảnhBan tổ chức trao tặng giải thưởng cho các công trình, cụm công trình đạt giải. 

Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ năm nay được trao cho 14 công trình, cụm công trình xuất sắc nhất thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học nông - lâm - ngư nghiệp; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học y dược.

Biểu dương và chúc mừng 14 công trình/cụm công trình được xét trao tặng tại Giải thưởng năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ gắn với trung tâm giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu.
 
Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ lao động, sáng tạo; phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng, trọng dụng tài năng trong mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ của tỉnh thi đua nghiên cứu, sáng tạo cống hiến tài năng, trí tuệ tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào các ngành y tế, văn hóa, giáo dục, công nghệ thông tin; để biến các sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống, đặc sản của Thừa Thiên - Huế trở thành sản phẩm có chất lượng, giá trị thương mại cao và tăng cường phối hợp tổ chức các phong trào, sân chơi tri thức, các Giải thưởng sáng tạo về khoa học công nghệ.

Chú thích ảnhBan tổ chức trao tặng giải thưởng cho các công trình, cụm công trình đạt giải. 

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng cho biết, giải thưởng năm nay được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học đăng ký tham gia xét tặng với 40 hồ sơ đăng ký, cao nhất từ trước đến nay. Đạt giải đều là những công trình xuất sắc, không chỉ có giá trị về khoa học mà còn có giá trị thực tiễn đối với Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung. Nổi bật như cụm công trình "Ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế" của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp và các cộng sự. Ca ghép thận đầu tiên được tiến hành từ năm 2001, đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 1.000 ca ghép thận, 6 ca ghép tim và 1 ca ghép gan với nhiều kỹ thuật cao. Kết quả của cụm công trình là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển Bệnh viện Trung ương Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. 

Hay như công trình "Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn Thừa Thiên - Huế" của Tiến sĩ Hồ Thắng và cộng sự đã hệ thống hóa, bổ sung những vấn đề lý luận, thực tiễn về phát triển bền vững nghề, làng nghề truyền thống; phân tích, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Công trình "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" đã quảng bá, giới thiệu giá trị di sản tư liệu quý hiếm và độc đáo đến với đông đảo công chúng trong, ngoài nước, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục…

Chú thích ảnhBan tổ chức trao tặng giải thưởng cho các công trình, cụm công trình đạt giải. 

Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ được tổ chức 5 năm một lần, là giải thưởng của UBND tỉnh nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có vai trò chính trong các công trình khoa học xuất sắc được thực hiện tại Thừa Thiên - Huế. Từ năm 2006 đến nay, Thừa Thiên - Huế đã tổ chức 4 lần xét tặng giải thưởng, qua đó đã thu hút 113 hồ sơ đăng ký tham gia xét tặng giải thưởng; trong đó, có 47 công trình, cụm công trình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng.

Nguồn bài viết