Quảng Ninh hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030

1 năm trước 220
Chú thích ảnhCung Quy hoạch tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Khi đó, Quảng Ninh sẽ trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.

Dự kiến đến năm 2025, Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị và đến năm 2030 có 12 đơn vị hành chính (sáp nhập Móng Cái và Hải Hà) với 13 đô thị. Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành gồm 7 thành phố gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái – Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn. Dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu, ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh phấn đấu xong trong quý III/2022.

Các cấp, các ngành và UBND các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Nghị quyết HĐND tỉnh vừa thông qua nhằm thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị toàn tỉnh; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch liên quan theo quy định của pháp luật; xây dựng chương trình hành động cụ thể, hiệu quả; xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; định hình chức năng đô thị biển, hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ... theo mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, tạo nền tảng vững chắc bảo đảm tăng trưởng GRDP hai con số trong dài hạn đến năm 2030.

Quảng Ninh lựa chọn các bước đột phát trong phát triển đó là, xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội để thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển cơ cấu lao động việc làm; tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Xây dựng các khu công nghiệp, các khu kinh tế có vị trí phù hợp, có quy mô đủ lớn, đầy đủ điều kiện về hạ tầng, kết nối thuận lợi, chi phí thấp và các chính sách khuyến khích hỗ trợ có đủ sức cạnh tranh cao để thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện tử năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Chuyển đổi số toàn diện, trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, đa dụng, gồm cả hạ tầng số, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng gắn với hành lang, vành đai phát triển kinh tế, kết nối quốc tế thuận lợi để Quảng Ninh trở thành một trung tâm logistics của vùng và cả nước. Phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững với quy mô lớn để nâng cấp chất lượng sống của người dân.

Quảng Ninh phát triển kinh tế, xã hội theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”. Trong đó, tâm là thành phố Hạ Long, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng đô thị về phía Bắc.

Hai tuyến là tuyến hành lang phía Tây từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, phát triển chuỗi đô thị, công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh; trong đó Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây. Tuyến hành lang phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á, phát triển chuỗi đô thị sinh thái – dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sách – công nghệ cao và kinh tế biển. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá.

Ba vùng phát triển gồm: phân vùng đại đô thị Hạ Long mở rộng (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) có quy mô dân số khoảng 1,9 triệu người, là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, cảng biển và ngành năng lượng sạch.

Phân vùng vùng đô thị du lịch biển và rừng (Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Cô Tô) có quy mô dân số khoảng 323 nghìn người, là vùng kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp; trong đó Vân Đồn là trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam. Là một cửa ngõ mới ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc.

Phân vùng đô thị kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà) có quy mô dân số gần 420 nghìn người, với khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn, khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh và 2 khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Quảng Yên. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á với hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn Hải Hà, Vạn Ninh.

Nguồn bài viết