Nữ chỉ huy hết lòng vì nhân dân phục vụ

2 năm trước 290

Cùng với lực lượng Cảnh sát khu vực ở 17 phường trên địa bàn, họ đang tất bật triển khai chiến dịch cao điểm cấp căn cước công dân gắn chip điện tử, đặc biệt là đẩy mạnh việc cấp căn cước lưu động tại các địa bàn dân cư, trường học, cơ quan…, theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Thành phố và Ban chỉ huy Công an quận Hà Đông.

Chú thích ảnhTrung tá Nguyễn Thị Hồng Yến (thứ hai từ phải sang) cùng các cán bộ, chiến sỹ Đội Quản lý hành chính - Công an quận Hà Đông trong một buổi triển khai cấp căn cước công dân gắn chip điện tử.

Những nỗi niềm riêng

Tại khu vực lấy dấu vân tay, Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến đang tỉ mỉ giúp người dân lăn tay sao cho đúng. Công việc tưởng dễ, lăn tay vào máy thay vì dùng mực đen như trước đây, nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ tận tay của cán bộ Công an. Một lúc sau, lại thấy chị Yến đứng ở khu vực người dân kiểm tra thông tin kê khai, nhắc nhở từng chiến sỹ hướng dẫn người dân kiểm tra thông tin chuẩn xác, tránh sai sót về sau. Uống tạm cốc nước giữa buổi làm việc, chị Yến bộc bạch: “Lính hình sự, ma túy có cái gian khổ,  hiểm nguy. Song mảng quản lý hành chính chúng tôi cũng có những nỗi vất vả riêng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, nhất là cần nắm vững các quy định, quy trình”.

“Những ngày này, lượng công việc lớn dẫn tới nhiều thay đổi, các bữa ăn cũng trở nên vội vã hơn khi chúng tôi phải tranh thủ vào khoảng thời gian nghỉ ngắn ngủi sau đó lại lao vào công việc, từ sáng sớm đến đêm khuya. Được sự quán triệt từ cấp trên, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều xác định rằng người dân còn đến thì còn làm việc và cần đặt yếu tố phục vụ, đáp ứng yêu cầu nhân dân lên hàng đầu. Có nhiều ngày anh chị em trong đơn vị phải làm việc đến một, hai giờ sáng”, chị Yến chia sẻ thêm.

Một phần áp lực công việc đối với cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hà Đông đến từ khối lượng công việc đồ sộ. Ngay quận Hà Đông có tận 17 phường với dân số lên đến hơn 328.621 người, thuộc diện nhiều dân nhất Thủ đô. Trong khi mục tiêu Bộ Công an đặt ra là đến ngày 1/7 sẽ cấp được 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử trên cả nước, riêng Hà Nội phấn đấu hoàn thành công việc ngay trong tháng 4. Công an Quận Hà Đông đặt mục tiêu cấp trên 217.000 thẻ căn cước công dân có gắn chip trong đợt này.

“Bởi vậy trách nhiệm đặt ra với mỗi cán bộ, chiến sĩ là không hề nhỏ. Ai cũng nhắc nhở nhau phải làm hết sức mình. Ngay phường Quang Trung, nhờ tập trung quân số và nỗ lực ngày đêm nên chỉ trong thời gian ngắn đã chỉnh sửa, bổ sung thông tin sổ hộ khẩu đối với trên 9.000 nhân khẩu. Chúng tôi cũng giải thích rõ với người dân rằng thẻ căn cước công dân gắn chip mang nhiều tiện lợi, tính bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn tạo điều kiện tích hợp nhiều ứng dụng kèm theo và kết nối rộng rãi với các dịch vụ công cộng”, trung tá Yến chia sẻ.

Dù công việc bận rộn nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi nữ trung tá. Và nguyên tắc tối thượng là phải đảm bảo thuận tiện, thoải mái nhất cho người dân, tuyệt đối không vì chạy đua tiến độ mà để xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến công dân. Điều này thể hiện đúng tinh thần mà Ban chỉ huy Công an quận Hà Đông đặt ra đối với các tổ lưu động khi về các địa bàn dân cư cấp căn cước công dân gắn chip, đó là “Làm hết việc chứ không hết giờ”; “Mọi thắc mắc của công dân phải được trao đổi, giải quyết thấu đáo”…

“Khi đến làm thẻ căn cước công dân, tôi không cần phải mang theo giấy tờ gì cả và được chị Yến hướng dẫn rất cụ thể. Chỉ cần đọc tên tuổi, địa chỉ, quê quán hoặc đọc số chứng minh thư nhân dân cũ là cán bộ tiếp nhận sẽ thao tác trên máy, tra ra thông tin cá nhân. Dù tối muộn hơn 22 giờ rồi nhưng các anh chị vẫn làm việc hết sức khiến người dân rất cảm động”, anh Lê Văn Hiếu, người dân phường Quang Trung chia sẻ.

Đến nay, chị Nguyễn Thị Hồng Yến cùng các đồng đội của mình cơ bản đã hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử đúng tiến độ đặt ra (dành cho những người dân có Hộ khẩu thường trú). Trên hành trình ấy, có những câu chuyện xúc động khiến chị Yến nhớ mãi, như có cụ ông hai tay chống nạng hay bà mẹ bế con sơ sinh tới làm căn cước công dân gắn chip điện tử. Đặc biệt là trường hợp của cụ Nguyện Thị Cần (97 tuổi) bị ngã gãy tay và không đi lại được. Gia đình muốn đưa cụ Cần đến bệnh viện nhưng CMND của cụ đã mất. Trước tình hình này,  ngay trong tối cùng ngày, chị Yến đã cùng một số chiến sỹ, cán bộ khác trực tiếp mang máy móc đến nhà cụ Cần để cấp căn cước công dân, giúp cụ làm thủ tục nhập viện.

“Những trường hợp này đều được chúng tôi hỗ trợ làm nhanh nhất có thể. Và món quà chúng tôi nhận về chính là niềm vui của người dân”, chị Yến vui vẻ nói.

Công việc nhiều, nỗ lực phải gấp đôi

Chú thích ảnhHồng Yến hỗ trợ người dân lăn vân tay khi làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip điện tử.

Hiện tại, Đội quản lý hành chính - Công an quận Hà Đông đang tổ chức cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử cho đối tượng tạm trú. Như vậy, người dân có quê ở các tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc ở Hà Nội, có thể làm thủ tục cấp ở Hà Nội thay vì phải về quê như trước đây.

Khối lượng công việc có thể sẽ tăng thêm. Để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, đạt đúng tiến độ đề ra, bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”, áp lực đối với Đội quản lý hành chính - Công an quận Hà Đông nói chung và trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến nói riêng là không hề nhỏ. Thay vì làm việc 8 tiếng/ngày, thời gian tiếp nhận hồ sơ được kéo dài, tối thiểu 10 giờ/ngày, đẩy mạnh việc cấp lưu động và duy trì cấp cố định ít nhất 6 ngày trong 1 tuần.

“Chúng tôi làm việc không kể thứ Bảy, Chủ Nhật để nhanh chóng phục vụ nhu cầu của bà con. Là một nữ chỉ huy, bản thân tôi gặp phải những khó khăn riêng, nhất là phải sắp xếp công việc gia đình. Có những hôm đi làm từ sáng sớm, về lúc trời đã tối mịt, không có nhiều thời gian chia sẻ cùng người thân, gia đình. Cũng may tôi được ông xã cùng gia đình cảm thông và hỗ trợ hết sức để dành toàn tâm toàn ý cho công việc chung”, chị Yến chia sẻ.

Với vai trò nữ chỉ huy, chị Hồng Yến chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí trong đơn vị, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở, kịp thời hỗ trợ và tháo gỡ những vướng mắc cần giải quyết. Một lợi thế là chị Yến vốn có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý cấp thẻ căn cước công dân. Năm 2016, chị đã nhận giấy khen của Giám đốc Công an Thành phố về việc cấp, quản lý Chứng minh Nhân dân 12 số trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, trong đợt triển khai nhiệm vụ lần này lại xuất hiện một yếu tố gây nhiều khó khăn, đó là dịch COVID-19. Cao điểm thực hiện nhiệm vụ cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Do vậy, song song 2 nhiệm vụ đặt ra là vừa phải hỗ trợ thủ tục cho người dân nhanh nhất, vừa phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch. Theo đó, chị Yến cùng các đồng nghiệp thường xuyên nhắc nhở người dân khi đến làm thủ tục cần đeo khẩu trang, cố gắng thực hiện giãn cách, không ngồi quá gần người khác cũng như sát khuẩn tay thường xuyên.“Cũng may là người dân ai cũng có ý thức tự giác, nên không cần phải nhắc nhở nhiều, đa số đều tuyệt đối tuân thủ”, chị Yến vui vẻ cho hay.

Ngoài ra, chị Yến cũng liên tục kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai để kịp thời hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh những thiếu sót, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện công việc. Không chỉ điều hành, chỉ huy phụ trách trực tiếp, chị Yến còn đến từng điểm cấp căn cước công dân lưu động để nắm tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết công việc đột xuất xảy ra.

Chị Yến còn đề xuất với Ban chỉ huy Công an quận cho cán bộ chiến sỹ Đội Quản lý hành chính tổ chức cấp căn cước công dân gắn chip điện tử theo hình thức “lưu động”, đến từng địa bàn phường, nhà dân để giúp các trường hợp đi lại khó khăn hoặc già yếu. Bên cạnh đó, sáng kiến phối hợp tổ chức cấp căn cước công dân tại trụ sở cơ quan, trường học cũng đã góp phần không nhỏ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho công dân.

Áp lực trên vai chị Yến-nữ cán bộ công an vốn có 14 năm công tác tại Đội Quản lý hành chính, Công an quận Hà Đông-là không ít, song đúng như mục tiêu của dự án là phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhân dân, chị Yến coi niềm vui, sự thoải mái và hài lòng của người dân cũng như niềm vui của mình. Và đó cũng là động lực để chị không ngừng cố gắng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nguồn bài viết