Nhớ mùi hương bếp nhà

2 năm trước 745
Nhớ mùi hương bếp nhà - Ảnh 1.

Những bữa ăn công nghệ tiện lợi cho người bận rộn, nhưng cũng gợi nên nỗi nhớ mùi khói bếp nhà mình - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Gần 7h tối rồi, thấy cả nhà chộn rộn, tôi bảo chị thôi để em chạy vù ra xem có hàng nào bán bún măng vịt, mua lấy mấy phần.

Một tay lau mấy vệt cháo bí đỏ tèm lem trên mặt thằng cháu, một tay chị vội kéo áo tôi lại: "Cậu đừng lo, cứ ngồi đây nhấp chén trà, lát con chị về, chỉ cần năm phút là chúng nó soạn mâm bát đầy đủ. Chúng nó bây giờ thành "gái gọi", "dâu gọi" hết cả rồi, nhanh lắm".

Thuật ngữ mới thời công nghệ

Mặt tôi đực ra, vừa ngơ ngác, vừa lúng túng, chị bật cười vang: "Cậu đừng nghĩ lung tung, gái gọi dâu gọi là thuật ngữ mới thời công nghệ đấy. Bọn trẻ bây giờ chỉ cần cầm máy lên, bấm bấm mấy phát, mười mấy phút sau món gì cũng có. 

Ở với cha mẹ đẻ là "gái gọi" của cha mẹ, đi làm dâu thì thành "dâu gọi" của nhà chồng, vì các cụ chẳng biết sử dụng công nghệ, gọi giao hàng là nhiệm vụ của cánh trẻ. Chả cần củi lửa, xoong chảo gì, gọi một cú là xong. Cũng chả cần ghé hàng này hàng kia, rồi chờ với đợi, tay xách nách mang". 

Nghe chị nói, gã đầu bếp mấy chục năm gắn bó với nồi niêu như tôi đành rón rén ngồi chờ.

Con trai và con dâu chị về, tất tả xe cộ giày dép, ào vào như cơn dông lốc đầu hạ, vừa soạn chén bát vừa liến thoắng: "Chúng cháu vừa đi đường vừa gọi thức ăn, cậu chờ một lát, cả nhà mình cùng ăn tối ạ".

Chuyến "gờ ráp" trờ tới trước cửa, bữa ăn được bày ra, rất nhanh và thịnh soạn. Nhưng vừa ngồi vào bàn, bỗng dưng ập vào trong tôi là cảm giác thiếu thiếu cái gì đó.

Thấy tôi có vẻ suy tư, chị cả nửa đùa nửa như phân trần: "Bây giờ chúng nó bận bịu quá cậu ạ, thời buổi này sao mà công việc lắm thế, đến cả con cái còn chẳng có thời giờ chăm, phải nhờ vào ông bà, rồi chả còn thời gian mà nấu với nướng. Bếp nhà này á, có khi cả tuần mới bật ba, bốn lần". 

Các cháu tôi cũng cười rộn lên.

Hơi ấm từ gian bếp

Trước mâm cơm công nghệ, tôi và chị ruột ngậm ngùi nhớ ngày còn nhỏ, sau giờ học chính khóa ở trường, chị em dắt díu nhau đi học nữ công gia chánh. 

Mẹ tôi là dân chuyên bán đặc sản ở phố Tạ Hiện, luôn đề cao việc bếp núc, nên bất kể con trai hay con gái, bà đều lùa đi học nấu ăn, may vá với lý lẽ: "Trai gái gì thì cũng là người, biết món này món kia để còn tự chăm sóc cho bản thân và người nhà".

Những ngày cuối tuần, những dịp lễ, giỗ, cả nhà quây quần nấu nướng, mỗi người một tay, tất bật mà ấm cúng kỳ lạ. Điều khiến chị em tôi lưu luyến mãi đến giờ, không chỉ cái hương vị đậm đà, đúng chất Bắc của món ăn, mà còn là niềm vui cùng nhau làm nên bữa cơm trong gian bếp nhà mình.

Khi ấy, tôi mới hiểu ra trái tim mình đang thấm thía niềm nhung nhớ cơm nhà. Đành rằng, giữa nhịp sống tất bật của thời hiện đại, con người cần dựa vào công nghệ để tiết kiệm thời gian. Nhưng rồi những gì nhanh quá, vội quá, và lệ thuộc vào công nghệ nhiều quá, có khi làm mất cái thú vui ấm áp của cảnh quây quần, mỗi người một tay làm nên bữa ăn chung.

Và có lẽ, giữa thời hiện đại đầy tất bật này, việc bếp núc không chỉ là công việc của riêng phụ nữ, mà của tất cả các thành viên trong gia đình để cùng nhau san sẻ. Khi vợ nấu cơm, chồng rửa chén bát thì nữ giới không cảm thấy mình bị quá tải. 

Thêm nữa, giới trẻ cũng cần trang bị cho mình kỹ năng nấu nướng như một kỹ năng thiết yếu, bởi ai cũng sẽ có cảm giác thèm "cơm nhà" sau vài ba bữa "cơm đường".

Hơi ấm từ gian bếp sẽ mang lại hơi ấm cho cả ngôi nhà.

Ăn kiểu công nghệ cũng có cái hay. Lướt vào "app" là sẵn một thế giới ẩm thực để khách hàng tự do lựa chọn. Món ngon món dở tùy vào những cú "click" hên xui, nhưng nếu người mua sẵn lòng thử nghiệm các đơn hàng thì dần dần sẽ "tủ được" những địa chỉ có chất lượng để tin tưởng đặt món.

Phụ nữ bây giờ biết kết hợp truyền thống và hiện đại trong gian bếpPhụ nữ bây giờ biết kết hợp truyền thống và hiện đại trong gian bếp

Ngày nay, vai trò của người phụ nữ không chỉ gói gọn trong gian bếp mà họ đã và đang khẳng định vị thế của mình trong xã hội trên nhiều lĩnh vực khác.

Nguồn bài viết