Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4: Thắp sáng tương lai cho người khiếm thị

2 năm trước 147
Chú thích ảnhGiáo viên hướng dẫn trẻ khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị) đánh bột làm các loại bánh - một công đoạn của nghề làm bánh mà Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa dạy cho học viên. Ảnh tư liệu: Phan Sáu/TTXVN

Số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, tại Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 2 triệu người mù và thị lực kém, chiếm khoảng gần 2% dân số. Tuy không có khả năng nhìn nhưng họ vẫn có nhu cầu được học tập, tiếp thu văn hóa, kiến thức nhưng luôn gặp khó khăn khi tiếp cận. Dù đã có hệ thống chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị, nhưng chi phí in ấn tài liệu dưới dạng này là rất tốn kém; để chuyển hóa tất cả các kho tàng tri thức sang dạng chữ nổi Braille là một điều khó có thể thực hiện được.

Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho biết, hiện nay các tài liệu như sách giáo khoa, giáo trình và một số tài liệu khác dưới định dạng mà người khiếm thị có thể tiếp cận được là không nhiều. Họ chỉ có thể tiếp cận được một số tài liệu nhất định như sách chữ nổi, sách nói hoặc dùng một số phần mềm đọc màn hình để đọc tài liệu bản word. Những khó khăn trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả trong học tập của người khiếm thị cũng như việc theo được chương trình đào tạo mà nhà trường yêu cầu, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả chất lượng đầu ra trong giáo dục với người khiếm thị. Theo ông Phạm Viết Thu, công nghệ thông tin là phương tiện hết sức hữu hiệu giúp người mù sinh hoạt, học tập, làm việc thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn nhưng hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng hơn 9.000 người khiếm thị biết sử dụng máy vi tính và điện thoại thông minh.

Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù Phạm Xuân Trường cho biết, do hạn chế về tầm nhìn và trình độ nhận thức nên trong quá trình giảng dạy, giáo viên không thể áp dụng phương pháp như đối với học viên sáng mắt. Với mỗi giờ học thực hành, giáo viên đều phải hướng dẫn từng động tác cho từng học viên. Phương pháp dạy chủ yếu là "cầm tay chỉ việc", và phải dạy đi dạy lại nhiều lần để đảm bảo hầu hết học viên đều nắm được lý thuyết cũng như được thực hành ít nhất một lần. Điều này đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, tâm huyết, nhiệt tình và yêu thương học viên.

Theo Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, người khiếm thị là đối tượng yếu thế trong xã hội, công việc chủ yếu là nghề massage, giáo viên, tin học văn phòng, làm hương, tăm, kết hạt cườm, đan giỏ xách nhựa, làm hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, đàn organ, buôn bán tại nhà… Trong đó, nghề massage được đánh giá là nghề phù hợp với sức khỏe, trình độ, giúp họ tự nuôi sống bản thân, vượt qua mặc cảm tự ti, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo và làm lành mạnh nghề massage trong xã hội. Tuy nhiên, nghề massage dù đem lại thu nhập ổn định nhưng cũng chỉ đáp ứng được như cầu tối thiểu trong cuộc sống, thậm chí vẫn còn thiếu thốn. Người khiếm thị cần có thêm cơ hội tiếp cận với kiến thức trong thời đại công nghệ số, để phát huy được tư duy, khả năng sáng tạo của mình.

Trong cuộc khảo sát nhu cầu học nghề gần đây cho thấy, tỷ lệ người khiếm thị muốn học nghề kinh doanh online rất cao. Ngay sau đó, một khóa đào tạo kỹ năng bán hàng online cho người khiếm thị trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID - 19 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ đã diễn ra nhằm đào tạo những kiến thức, kỹ năng cần thiết để người khiếm thị có thể có thêm một nghề mới, nâng cao sự tự tin hòa nhập cộng đồng. 

Khóa học diễn ra trong 30 ngày với sự dẫn dắt của các chuyên gia về kỹ năng giao tiếp, kiến thức kinh tế thị trường, kỹ năng bán hàng online trên mạng xã hội Facebook… Sau 3 tháng học tập đã ghi nhận những kết quả rất tích cực từ học viên như: Cách thức xây dựng tin, bài bán hàng chuyên nghiệp hơn, đầy đủ các tiêu chí, hấp dẫn… Nhiều học viên đã tăng doanh thu bán hàng so với những ngày chưa đi học. Một số học viên chưa bán online bao giờ đã chốt được đơn hàng và đã có những doanh số đầu tiên. 

Theo Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Đinh Việt Anh, thời điểm này chính là một thách thức rất lớn cho những người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng, bởi họ là những người dễ bị tổn thương về mọi mặt nhưng đồng thời cũng là cơ hội để họ phát huy khả năng của mình thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn… Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước và của cá nhân người khiếm thị, dự án rất cần nhận được sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, các tổ chức và doanh nghiệp.

Bà Đinh Việt Anh cho biết, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đang quản lý 51,6 tỷ đồng triển khai cho vay tại 51 tỉnh, thành phố cho 10.000 hộ người mù và 55 cơ sở sản xuất tập trung của Hội Người mù các cấp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 13.000 lao động. Toàn Hội đang quản lý 393 cơ sở sản xuất tập trung và 139 tổ nhóm sản xuất thủ công dưới 10 người/tổ nhóm, thu hút gần 5.000 lao động với mức thu nhập bình quân của nghề thủ công là 1,9 triệu đồng/người/tháng, riêng nghề xoa bóp bấm huyệt đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, người có tay nghề cao thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Với những nỗ lực và sự cố gắng đồng bộ của các cấp Hội, cuộc sống người lao động được đảm bảo; tỷ lệ hộ người mù nghèo tính đến đầu năm 2022 chỉ còn 14,2%, giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2021. 

Có thể khẳng định, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho những người khiếm thị trong xã hội là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là minh chứng của sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ người khiếm thị cải thiện cuộc sống, giúp họ vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng. Đây cũng để họ có thể thực hiện ước mơ được sống, được làm việc và cống hiến như mọi người bình thường khác, tạo môi trường thân thiện để người khiếm thị phát huy khả năng của mình, đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khiếm thị vươn lên tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhưng một trong những bất cập là hầu hết người khiếm thị thiếu những kỹ năng xã hội cần thiết. Họ không biết cách tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, các trung tâm giáo dục nghề và giới thiệu việc làm, hoặc các nguồn vay vốn ưu đãi. Thậm chí sau khi học nghề và có chứng chỉ nghề, người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng vẫn thiếu thông tin về nhà tuyển dụng, không biết đến chính sách việc làm cho người khuyết tật, hoặc không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Những người đã có việc làm thì gặp khó khăn trong việc bố trí việc làm phù hợp với thể trạng, vì vậy khó phát huy được hết khả năng của bản thân nên thường có lương rất thấp.

Vừa qua, Trung tâm Đào tạo Cán bộ - Phục hồi chức năng cho người mù đã đưa chương trình đào tạo nghề công tác xã hội vào giảng dạy cho cán bộ hội viên các phương pháp trợ giúp và kỹ năng xây dựng các chương trình, hoạt động trợ giúp những đối tượng yếu thế một cách chuyên nghiệp; tổ chức những chương trình hoạt động phát triển cộng đồng yếu thế của mình và xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển; đồng thời kiến nghị với nhà nước trong việc xây dựng, thúc đẩy môi trường chính sách an sinh xã hội một cách phù hợp cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng để họ có cơ hội phát huy khả năng của mình. Từ đó, cải thiện chất lượng dịch vụ trợ giúp đối với cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, góp phần vào xây dựng mạng lưới nghề công tác xã hội trong trợ giúp người khuyết tật ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, để các chương trình đào tạo đem lại hiệu quả thực sự, giúp cho người khiếm thị có thêm cơ hội được học nghề và có việc làm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù Phạm Xuân Trường cho rằng, đầu tiên cần chuyển đổi các tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình sang nhiều định dạng mà người khiếm thị có thể tiếp cận dễ dàng. Từ đó, xây dựng những thư viện sách dành riêng cho người khiếm thị, với đa dạng các đầu sách từ sách giáo khoa chương trình phổ thông cho đến giáo trình đại học và các tài liệu tham khảo khác để đáp ứng nhu cầu về mặt tài liệu trong quá trình học tập, giúp người khiếm thị giảm bớt khó khăn trong học tập.

Để làm được điều đó, rất cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ngành liên quan. Trong đó, chú trọng tuyên truyền rộng rãi các chương trình dạy nghề, học nghề, việc làm để người khiếm thị có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các chính sách. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về dạy nghề, tạo việc làm và trợ giúp xã hội để nâng cao đời sống, giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với tính đặc thù của một số nhóm người khuyết tật trong đó có người khiếm thị nhằm tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho họ được học nghề, tạo việc làm và đóng góp vào sự phát triển đất nước…

Nguồn bài viết