Nhu cầu tuyển dụng lao động khối sản xuất tăng nhẹ

3 năm trước 280

Ít doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, do kỳ nghỉ Tết, Hà Nội và các tỉnh thực hiện các biện pháp chống dịch COVID-19 nên thị trường lao động khá ổn định, chỉ có tăng nhẹ ở khối sản xuất. Thống kê từ ngày 17/2 đến 2/3, có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 5.000 lao động; trong đó 45% tập trung khối sản xuất. Những ngành nghề đăng ký tuyển dụng nhiều lao động là lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, cơ khí, maketing….

Chú thích ảnhTư vấn về nhu cầu tuyển lao động tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội.

Anh Phan Đức Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) đến đăng ký tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm cho biết, các công ty đăng ký tuyển với số lượng ít, chưa kể các tiêu chí về độ tuổi, giới tính cũng gây ra trở ngại cho người có nhu cầu tìm việc. Hầu hết những công ty có nhu cầu tuyển dụng đều có mức lương bình quân dao động từ 4,5-5,9 triệu đồng/tháng, chủ yếu là lao động phổ thông.

Trong khi đó, anh Lương Đình Hải, công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Thăng Long cho biết: Doanh nghiệp ít tăng ca so với trước nên thu nhập giảm, nhưng anh cũng không có ý định nhảy việc đến công ty có thu nhập cao như cách đây 2-3 năm.

Theo Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất thành phố Hà Nội, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, có hơn 98% số công nhân lao động trở lại làm việc. So với mọi năm, hiện tượng “nhảy việc” đã giảm nhiều nên các doanh nghiệp không còn rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Chính vì vậy, các công ty đăng thông báo tuyển công nhân với số lượng ít.

Không chỉ riêng Hà Nội, thị trường lao động tại các tỉnh khá ổn định, đại diện Công đoàn các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Phú Thọ cho biết, qua theo dõi 70-80 doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh, chỉ có khoảng 10% trong số các doanh nghiệp là có nhu cầu tuyển dụng sau Tết; chủ yếu là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như điện tử, may mặc.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Hà Nam. Đại diện Công đoàn các KCN tỉnh Hà Nam cho biết, dự kiến nhu cầu tuyển dụng năm nay ở các KCN tỉnh Hà Nam là khoảng 10.000 lao động. Những đơn vị tuyển dụng lớn đều là những doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, không có doanh nghiệp nào đang hoạt động mà tuyển dụng lao động với số lượng nhiều.

Nhu cầu tuyển lao động có tay nghề

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Thị trường lao động trong những tháng tới phụ thuộc vào công tác phòng chống dịch COVID-19. Nếu việc khống chế dịch COVID-19 được duy trì như hiện nay, tình hình kinh tế duy trì thì thị trường lao động khởi sắc. Trong đó, thị trường lao động hướng đến nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng.

Chú thích ảnhDoanh nghiệp công nghệ thông tin phỏng vấn ứng viên đến tìm việc.

Theo ông Vũ Quang Thành, thực chất việc tuyển dụng nhiều lao động phổ thông là để phục vụ các đơn hàng lớn. Tình hình này tương đối phổ biến trong những năm gần đây và việc tuyển dụng một lúc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lao động là khó khăn do hiện nay không còn dồi dào nguồn nhân lực phổ thông nữa. Việc khan hiếm lao động phổ thông, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nằm trong KCN tương đối nhiều và diễn ra ở rất nhiêu tỉnh thành trên cả nước, không riêng Hà Nội. Tuy nhiên, với công cuộc chuyển đổi số đang khởi động tại Việt Nam, nhu cầu về lao động có kỹ thuật sẽ gia tăng.

Từ góc độ của đơn vị tư vấn nhân lực, đại diện ManpowerGroup Việt Nam cho biết, khảo sát được thực hiện trong tháng 1/2021 đối với 442 nhà tuyển dụng trong thuộc 16 ngành nghề khác nhau trên toàn quốc, cho thấy khoảng 36,4% nhà tuyển dụng cho biết doanh nghiệp (DN) của họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch (ở mức từ 1% - 49%) và gần 50% DN vẫn hoạt động bình thường (không bị ngừng sản xuất kinh doanh).

Đáng chú ý, chỉ có khoảng 3% DN chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 phải ngừng hoạt động. Những con số đáng khích lệ này đã cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế nhờ các biện pháp phòng dịch và tăng trưởng kinh tế hiệu quả của Chính phủ.

“Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3 trong cộng đồng từ 27/1 sẽ có những tác động đến kinh tế - xã hội và các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ”, đại diện Manpower Group phân tích.

Dự báo kế hoạch tuyển dụng có dấu hiệu tăng trong nửa đầu năm 2021. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong số những nền kinh tế lớn ở ASEAN có mức tăng trưởng dương với mức tăng GDP năm 2020 là 2,9% trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tác động sâu rộng lên mọi mặt trên toàn cầu. Nổi bật là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng.

Do vậy, từ phân tích của các Trung tâm dịch vụ việc làm, các KCN, đơn vị tư vấn độc lập thì thị trường lao động sẽ có những dấu hiệu khả quan những tháng tới; khi các ngành kinh tế thích ứng với tình hình mới.

Nguồn bài viết