Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

1 năm trước 139
Chú thích ảnhẢnh minh họa: TTXVN phát

Ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý, mưa lớn tập trung ở khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ, ven biển phía Đông Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, với lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi 150 mm.

Đề cập đến nguyên nhân của mưa lớn diện rộng, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, do rãnh áp thấp đi qua khu vực Trung Bộ, kết hợp với đới gió Đông, cao cận nhiệt đới phát triển từ mặt đất lên 5000 m, đưa độ ẩm của khu vực Biển Đông vào gây mưa diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa diện rộng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài khoảng ngày 12/9, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Với lượng mưa lớn xảy ra trong những ngày qua và thời gian tới nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; khu vực trung du Bắc Bộ khả năng xảy ra sạt lở đất. Khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ, ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xảy ra ngập úng.

* Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 8 giờ ngày 9/9, mưa lớn, sóng to đã làm 1 tàu chở dầu (Hà An 01-HP 5768) bị chìm ở khu vực gần phao số 0 luồng Diêm Điền tỉnh Thái Bình; 1 người mất tích do lũ cuốn trôi tại thôn Sòng, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; 56 nhà bị ngập (Nghệ An), 1 nhà bị sạt lở đất (Hòa Bình); 286,3 ha lúa, hoa màu, cây lâu năm bị ngập (Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa).

Mưa lớn đã làm ngập 3 vị trí Quốc lộ 48E (Nghệ An), 10 vị trí tỉnh lộ (Nghệ An, Thanh Hóa ), 8 vị trí đường liên xã, 10 ngầm (Hòa Bình); sạt lở ta luy tại 3 trị trí trên Quốc lộ 48D, Quốc lộ 16, Tỉnh lộ 543B, hư hỏng 30m kênh (Nghệ An).

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức Tết Trung thu tại các địa phương; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Các tỉnh, thành phố khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại; thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Các địa phương rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Các địa phương triển khai công tác đảm bảo an toàn, phòng chống ngập lụt cho các khu đô thị tập trung, các khu công nghiệp, các hầm, lò, khu khai thác khoáng sản; các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đồng thời, các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất cho cộng đồng, nhất là đối với khách du lịch và người dân tại các khu vui chơi giải trí có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ biết để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại...

Nguồn bài viết