'Món quà lớn nhất' của các nữ chiến binh chống dịch COVID-19

2 năm trước 214
Món quà lớn nhất của các nữ chiến binh chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Những nữ y bác sĩ, những chiến binh áo trắng, tóc dài đã chinh chiến xuyên suốt mùa dịch vui vẻ tạo dáng trước ống kính - Ảnh: LAN ANH

Đã 3 tháng qua, bác sĩ Trần Ngọc Hoàng Dung (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) vẫn mải miết công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 12. Ngày kéo vali cùng đồng đội lên phụ trách khoa cấp cứu của Bệnh viện Dã chiến số 12, chị để lại 2 con nhỏ cho người thân chăm sóc.

"Đó là quãng thời gian cực kỳ khó khăn, bệnh viện mới thành lập, mọi người phải sắp xếp quy trình để đón bệnh nhân, số ca nhập viện gia tăng, có ngày nhập viện cả ngàn ca, phòng cấp cứu có ngày cao điểm tới 40-50 bệnh nhân… May mắn nhờ độ bao phủ thần tốc của vắc xin, nhờ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh đã được kiểm soát.

Hiện nay, số ca nhập viện giảm dần còn 30-40 ca/ngày, trong khi đó số ca xuất viện gấp 4-5 lần số ca nhập viện. Khoa cấp cứu đóng cửa vì không còn bệnh nhân phải cấp cứu. Một tin vui nữa là theo lộ trình của ngành y tế thành phố, đến đầu tháng 11, Bệnh viện Dã chiến số 12 dự kiến sẽ giải thể, mọi người sẽ được về nhà…" - bác sĩ Hoàng Dung vui vẻ cho biết.

Cũng lên nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12 từ những ngày đầu, điều dưỡng Vũ Thị Phương Thúy phải xa 2 con nhỏ (bé lớn hơn 4 tuổi và bé nhỏ 3 tuổi).

Dẫu đã qua nhiều lần luân chuyển nhân sự nhưng chị xin ở lại đây làm việc cho đến ngày Bệnh viện Dã chiến 12 được giải thể vì yên tâm có hậu phương vững chắc ở nhà. 

"Các con xa mẹ sẽ bớt nhõng nhẽo, trưởng thành hơn, sau này mẹ đỡ vất vả hơn" - điều dưỡng Thúy lạc quan cho biết.

Ngày nhận lệnh điều động khẩn lên xây dựng Bệnh viện Dã chiến số 12, điều dưỡng Huỳnh Kim Bình (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) gửi lại cậu con trai nhỏ 4 tuổi và mẹ già đang chạy thận giai đoạn cuối cho người thân chăm sóc.

Ở Bệnh viện Dã chiến số 12, chị cùng đồng nghiệp không quản ngại khó khăn, vất vả, chỉ mong dịch sớm ổn để sớm được về nhà. Sau 7 tuần làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12, đến đợt luân chuyển nhân sự, chị được rút về và tiếp tục nhận nhiệm vụ mới là tham gia chiến dịch tiêm chủng của thành phố.

Món quà lớn nhất của các nữ chiến binh chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Các y bác sĩ Bệnh viện Da liễu phụ trách Bệnh viện Dã chiến 12 nhàn nhã trong những ngày vắng bệnh nhân - Ảnh: LAN ANH

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung phòng, chống COVID-19 tại ký túc xá Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cũng đã tròn 3 tháng.

Niềm vui lớn nhất của chị là dịch bệnh đã được kiểm soát, trung tâm cách ly sắp hết vai trò và thông tin cũng sắp được giải thể. 

"Món quà lớn nhất là được trở về nhà trước ngày 20-10 để được nhận quà từ chồng, không là mất phần" - bác sĩ Ngọc hóm hỉnh chia sẻ.

Cũng tham gia vào trận chiến chống dịch COVID-19 mấy tháng qua nhưng bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang (Bệnh viện Da liễu) được phân công nhiệm vụ tiêm chủng cộng đồng. Bất kể ngày nghỉ hay cuối tuần, chị cùng đồng nghiệp mải miết tiêm chủng, chỉ mong nhanh chóng bao phủ vắc xin cho người dân.

"Hằng ngày mình thăm khám, tiêm chủng cho hàng trăm người dân, nguy cơ tiếp xúc với F0 rất cao nên nhiều lúc các con đòi mẹ mà không dám bồng, ôm hôn các con luôn" - bác sĩ Giang chia sẻ.

Tin vui vào những ngày cận kề Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, dịch bệnh ở TP.HCM cơ bản đã được kiểm soát, số F0 thở máy, số ca tử vong giảm mạnh, người dân thành phố đã được phủ mũi 1 vắc xin và đang mở rộng phủ mũi 2 vắc xin cho người dân.

Nhiều bệnh viện dã chiến, trung tâm cách ly tập trung cũng đã có dự kiến giải thể. Năm đội tiêm chủng cộng đồng do Bệnh viện Da liễu phụ trách cũng đã có lệnh rút về, bàn giao công tác tiêm chủng còn lại cho địa phương.

Còn gì vui hơn, còn món quà nào ý nghĩa hơn trong Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 khi dịch đã lắng xuống, các y bác sĩ được về nhà, được sum vầy, ấm áp bên gia đình. Tháng 10, tháng của những yêu thương. Tháng tôn vinh những người phụ nữ, đặc biệt là những nữ y bác sĩ đã xông pha cống hiến chống dịch trong thời gian qua.

 Nước mắt khi chia tay ‘gia đình chống dịchCuộc thi ‘Lan tỏa năng lượng tích cực 2021’: Nước mắt khi chia tay ‘gia đình chống dịch' ở TP.HCM

TTO - Trong những ngày dịch bệnh hoành hành tại TP.HCM, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức) đã gấp rút được thành lập để tập trung điều trị cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Nguồn bài viết