Miệt mài làm tấm chắn giọt bắn, vận chuyển hàng tới nơi đang gồng mình chống dịch

2 năm trước 296
Miệt mài làm tấm chắn giọt bắn, vận chuyển hàng tới nơi đang gồng mình chống dịch - Ảnh 1.

Thanh niên, tình nguyện viên vận chuyển bí xanh, nước sát khuẩn, khẩu trang chuyển đến bà con vùng tâm dịch ở xã Đạo Lý, Hà Nam và lực lượng tuyến đầu - Ảnh: NVCC

13h ngày 1-5, toàn xã Đạo Lý (Hà Nam) cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Những ngày sau đó, dịch đã lan nhanh tại các tỉnh, thành phía Bắc. Mấy ngày qua, lực thanh niên đã có mặt tại nhiều điểm nóng sẵn sàng "chia lửa" với tuyến đầu.

"Trước tình hình dịch bệnh, chúng mình là tình nguyện viên cũng là sinh viên ngành y, dù tiền không có, vật chất không nhiều nhưng muốn góp sức nhỏ của mình hỗ trợ cho tuyến đầu có thêm phương tiện bảo vệ trong công tác phòng chống dịch" - Phạm Tuấn Vũ, 21 tuổi, đội trưởng Đội thanh niên tình nguyện Tiếp sức người bệnh ở Hà Nội, bộc bạch.

Khẩn trương "chia lửa"

Chỉ sau 2 ngày, 1.000 chiếc mũ chắn giọt bắn nhanh chóng được hoàn thành. Vũ cho biết hầu hết các bạn trẻ đều là sinh viên, ban ngày đi học ở trường, đi thực tập ở bệnh viện nên chỉ tranh thủ làm sau mỗi giờ chiều. Đôi tay của những người trẻ miệt mài kết những tấm xốp, mica từ chiều cho đến 23h đêm với mong muốn sớm hoàn thành những chiếc mũ chắn giọt bắn.

"Chúng mình gửi gắm ước muốn cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm được trở lại bình thường", Vũ bộc bạch.

Sau hai tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, thủ đô Hà Nội hiện đang là điểm nóng của cả nước trước diễn biến mới của dịch COVID-19. Chủ nhật vừa rồi như thường lệ, đội của Vũ phát cháo miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện K Tân Triều. Thực hiện theo thông báo khẩn của Sở Y tế Hà Nội rà soát người đến bệnh viện trong thời gian từ ngày 16-4 đến 7-5, Vũ cùng các bạn trong đội nghiêm túc thực hiện tự cách ly y tế tại nhà.

Tuy nhiên sức trẻ không chùn bước trước khó khăn, Vũ cho biết hiện nay một nhóm bạn trẻ khác đang hỗ trợ đội tiếp tục triển khai nhiệm vụ "chia lửa" cho tuyến đầu. Dự kiến trong 2 ngày cuối tuần, mục tiêu của các bạn trẻ là hoàn thành 2.000 mũ chắn giọt bắn, ưu tiên chi viện cho lực lượng tuyến đầu chống dịch của thủ đô. Bên cạnh mũ chắn giọt bắn, nhóm bạn đang kêu gọi hỗ trợ khẩu trang y tế, nước sát khuẩn để gửi đến các bệnh viện. 

Gửi yêu thương vào tâm dịch

Hơn một tuần qua, đội tình nguyện huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) khoác lên màu áo xanh vào "tâm dịch" xã Đạo Lý. Bao nhiêu ngày toàn xã thực hiện cách ly xã hội là bấy nhiêu ngày các bạn trẻ kiên cường bám trụ. Mỗi ngày từ 7h sáng đến 2h đêm, họ thay nhau vận chuyển rau xanh, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, nước sát khuẩn cho lực lượng tuyến đầu và hơn 2.500 hộ dân trong khu vực bị phong tỏa.

"Nghĩ đến quê hương đang phải gồng mình chống dịch, tuổi trẻ phải có trách nhiệm với quê hương, chúng tôi khoác lên màu áo xanh tham gia lực lượng tình nguyện" - anh Vũ Quang Huy, 31 tuổi, đội trưởng đội tình nguyện huyện Lý Nhân, tâm niệm.

Ở vòng ngoài, rất nhiều đội nhóm, nhà hảo tâm sẵn sàng "tiếp lửa". Dịch xảy đến nơi quê nhà, chị Trịnh Thanh Tâm, 36 tuổi, chủ nhiệm CLB thiện nguyện Thanh Tâm, nhanh chóng kêu gọi, phối hợp với các đơn vị, nhà hảo tâm, hỗ trợ rau xanh, các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con và "chia lửa" với chiến sĩ ngành y nơi tuyến đầu.

Sau 2 đợt, câu lạc bộ đã hỗ trợ vận chuyển vào "tâm dịch" hơn 1.000kg bí xanh, bánh ngọt, sữa tươi, mì tôm, nước lọc và hàng trăm suất cháo, trên 51.000 khẩu trang y tế và hàng trăm dung dịch sát khuẩn, bộ quần áo bảo hộ.

"Về đến nhà, tôi nhận được những dòng tin nhắn qua điện thoại là đã nhận được món quà của câu lạc bộ, của các nhà hảo tâm trao tặng, hay có người khen ăn "bát cháo yêu thương" rất ngon... Đọc những dòng tin mà thấy ấm lòng, càng có động lực để chúng tôi tiếp tục kêu gọi hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh cho vùng tâm dịch", chị Tâm giãi bày.

Trong khi đó tại Vĩnh Phúc - nơi có các "ổ dịch" là quán bar Sunny (ở Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên) bị phong tỏa, và thực hiện cách ly y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, các bạn trẻ ở đây cũng đang tích cực góp sức, xung kích tuyên truyền trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, và "đi từng ngõ, gõ từng nhà" phát tờ rơi về các cách phòng chống dịch, tuân thủ theo các quy định của Bộ Y tế.

Cõng loa lên bản tuyên truyền phòng chống dịch

Ngay sau khi nhận được công văn hỏa tốc về việc 5 chuyên gia Trung Quốc hoàn thành cách ly đã di chuyển nhiều nơi, trong số đó 2 người có xét nghiệm dương tính với COVID-19, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tái khởi động các đội phản ứng nhanh hỗ trợ Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các địa phương, khẩn trương truy vết và tuyên truyền cho người dân tích cực khai báo y tế.

Anh Triệu Trí Lộc, phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, cho biết hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên đã được huy động vào 180 đội phản ứng nhanh, vừa tham gia hỗ trợ trực chốt tại các khu vực bị phong tỏa, vừa tham gia công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.

Tại các vùng thấp, vùng đô thị, tỉnh đoàn chọn phương án tuyên truyền trên mạng, mỗi ngày đăng tải ít nhất 2 - 3 bài viết trên các trang thông tin chính thống của Đoàn và mạng xã hội. Tại vùng cao, nơi không có sóng 3G, 4G, đội phản ứng nhanh "cõng loa lên bản" tuyên truyền cho bà con về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Chống dịch nơi Chống dịch nơi '12 tầng dốc'

TTO - Nơi chốt kiểm soát phòng chống dịch '12 tầng dốc' Sì Lở Lầu, ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, nhiều đêm gió giật mưa xối xả, lá cờ đỏ sao vàng vẫn vững vàng tung bay trên chốt kiểm soát phòng chống dịch.

Nguồn bài viết