Khát khao nổi tiếng trên mạng xã hội, quên gia đình

2 năm trước 167
Khát khao nổi tiếng trên mạng xã hội, quên gia đình - Ảnh 1.

"Chinh phục danh vọng trên mạng xã hội là một hành trình đầy chông gai" - chia sẻ từ thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương, gương mặt có đến 4 triệu kết quả tìm kiếm trên Google và hơn 900.000 người theo dõi trên Facebook - Ảnh: D.NGUYỄN

"Chẳng biết từ lúc nào tôi bị "nghiện" mạng xã hội và khao khát được nhiều người biết đến thông qua các nền tảng như TikTok, Facebook...

Tôi hoàn toàn không bị áp lực tài chính nên sự nổi tiếng trên mạng xã hội phần lớn chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân", bạn Ngọc Quỳnh (22 tuổi, sinh viên ĐH HUFLIT) bộc bạch.

Có những ngày chẳng trò chuyện cùng cha mẹ

Và để có nhiều người nhấn nút thích (Like), chia sẻ (Share)... bạn phải chụp thật nhiều hình ở nhiều địa điểm khác nhau, sau đó cặm cụi ngồi dùng các phần mềm chỉnh sửa ảnh.

Hầu hết các ứng dụng chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp đều thu phí nên bên cạnh tốn thời gian, người dùng còn tốn thêm các khoản tiền không nhỏ (chưa kể chi phí cho quần áo, son phấn...) cho chúng.

Không muốn "lỗ vốn" nên Ngọc Quỳnh luôn muốn từng dòng tâm trạng (status), tấm hình hay clip của mình có thật nhiều người yêu thích, chia sẻ... và dần có tâm lý muốn kiếm tiền từ nó.

Nhưng trong một "biển người" trẻ, đẹp trên mạng xã hội thì việc đó càng ngày càng khó. Số lượng bạn bè của Ngọc Quỳnh cũng khoảng vài ngàn trên các nền tảng mạng xã hội nhưng số người thích các tấm hình, câu chữ của bạn thường chỉ dừng ở mức vài trăm.

Để tăng con số này thì bạn phải làm một thao tác khá "thủ công" là đi Like, bình luận... trên trang mạng xã hội của họ trước để điều này sẽ giúp bạn bè cũng sẽ thấy và ấn nút Like, bình luận ở trang của bạn thường xuyên hơn.

Rồi bạn cũng phải đi "vận động" người này, người kia Like, bình luận để tăng tương tác... Tất cả những khâu trên lúc đầu cứ ngỡ chỉ mất 1 - 2 tiếng nhưng nào ngờ cuối cùng tốn cả buổi mỗi ngày.

Bạn thừa nhận có những ngày chẳng trò chuyện lời nào với cha mẹ hay không ăn chung với gia đình dù vẫn sống chung nhà, nhiều khóa học dự định bị bỏ dở...

Điều đáng nói, mỗi khi tấm hình hay dòng tâm trạng mà bạn đã tốn nhiều thời gian để suy nghĩ viết ra, chọn lọc nhưng cuối cùng số Like chẳng được như mong đợi thì đi chơi không còn vui, đi ăn chẳng còn ngon như trước nữa.

Bữa cơm càng nhạt vị khi thấy nhiều bạn bè khác hay đối thủ "vượt trội" số Like hơn mình. "Có những lúc tôi còn đăng ảnh nổi loạn, hơi "thiếu vải" chỉ để khiến mọi người ngạc nhiên, thích thú "ồ, wow" và lượt Like tăng rõ.

Nghịch lý là những lúc đó tôi có nhiều Like, Share hơn hẳn nhưng tôi lại thấy niềm vui đó ngắn lắm, tôi ngồi thừ người vì thấy mình đang đánh mất mình, rồi bắt đầu nghi ngờ về giá trị bản thân...", bạn nêu nỗi trăn trở. Và tâm sự của bạn cũng rất phổ biến ở nhiều bạn trẻ khác.

Hãy tạo ra giá trị, đừng chạy theo số đông

Là một giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến nên mỗi ngày thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương dành nhiều thời gian online để dạy học và soạn bài. Anh thường dành hai tiếng mỗi ngày cho mạng xã hội.

"Khi lên mạng xã hội, tôi chủ yếu đăng các bài truyền cảm hứng hoặc tương tác với người theo dõi. Đó là cách tôi nạp năng lượng tích cực từ những lời khen tặng, nhìn lại bản thân mình từ những lời góp ý", anh chia sẻ.

Khi được hỏi có hay không giai đoạn gặp thử thách, nỗi sợ khi chinh phục mạng xã hội, Thái Dương khẳng định là có. Chẳng hạn, anh cho biết Facebook có nhiều người theo dõi không luôn đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều lượt tương tác.

Có những nội dung anh rất tâm huyết nhưng tương tác thấp khiến anh từng rất hụt hẫng. Và anh càng chạnh lòng khi có nhiều nội dung tiêu cực, giải trí dễ dãi thì lại được nhiều người thích, chia sẻ...

"Facebook thay đổi thuật toán liên tục khiến những người muốn tăng tương tác, muốn chinh phục mạng xã hội này như đi dò dẫm, chẳng biết bến bờ là đâu", anh nhớ lại.

Và Thái Dương cho biết cách anh vượt qua là không mê mải chạy theo thuật toán nữa mà tập trung vào đầu tư giá trị nội dung. Anh quan điểm, nếu không có quá nhiều tương tác thì xem như bản thân góp phần đem lại những điều tích cực cho cuộc sống.

"Là một KOL (tạm dịch: người có ảnh hưởng trong một lĩnh vực nhất định) ở mảng giáo dục, tôi xác định rất rõ lượng tương tác cao phải luôn đi kèm sự đảm bảo chất lượng giáo dục ngay cả trong các clip giải trí.

Những lời đề nghị hợp tác không phù hợp, tôi thường từ chối. Và tôi luôn ý thức gia đình phải là số 1, niềm vui của tôi hiện dành cho vợ con, cây đàn guitar và những sáng tác của mình...", anh khẳng định.

Và Thái Dương cho rằng việc một số bạn trẻ ngay cả khi ở nhà nhiều vẫn dành cho mạng xã hội hơn là tương tác thật với người thân thì không hẳn là vấn đề của mạng xã hội mà còn là vấn đề của thế hệ.

"Chúng ta thường có khuynh hướng thích trò chuyện với những ai, những gì gần gũi với mình. Nó chỉ bất thường khi chúng ta mất đáng kể những tương tác với người thân, chẳng biết họ đang thật sự vui hay buồn, chẳng dùng chung được bữa cơm dù sống cùng mái nhà...", anh nói.

Mời bạn tham gia diễn đàn

Bạn có thấy hình bóng bản thân hoặc của người thân, bạn bè trong những câu chuyện tương tự? Bạn có góc nhìn phản biện hoặc chia sẻ gì khác về việc giới trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, hay bạn có những giải pháp gợi ý cho câu chuyện trên?

Bạn có thể viết bài (trong 900 chữ kèm thông tin cá nhân, số điện thoại) và gửi về tham gia diễn đàn thông qua email: [email protected] hoặc [email protected].

Chìm đắm trong mạng xã hội như Chìm đắm trong mạng xã hội như 'mua dây buộc mình' với cô đơn

TTO - Những người trẻ thuộc thế hệ Z, lớn lên trong thời đại số, không thiếu kết nối và không gian để kết bạn, nhưng với không ít người, cuộc sống chỉ thật sự nhộn nhịp trên mạng xã hội, và thực tế chẳng khác nào 'mua dây buộc mình' với cô đơn.

Nguồn bài viết