Hậu Giang: Hàng chục ngàn hộ dân thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

1 năm trước 1029
Chú thích ảnhNhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ ông Huỳnh Công Lành (thương binh hạng 1/4 ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A) đã mua xưởng cưa gỗ, vươn lên thoát nghèo. 

Bên cạnh đó, hỗ trợ hàng ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới, cải tạo hàng chục ngàn công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, xây dựng, sửa chữa trên 1.200 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Chính sách phù hợp thực tiễn

Huyện Châu Thành A có quy mô dân số gần 100.000 người, theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2021 trên địa bàn huyện có hơn 1.000 hộ nghèo và gần 900 hộ cận nghèo. 

Báo cáo của UBND huyện Châu Thành A, kết quả đạt được trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. 

Việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn huyện. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 7 lần, từ 7,2 triệu đồng/người năm 2002 lên 58,8 triệu đồng/người năm 2022, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cuối năm 2021 xuống còn 0,38% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), đời sống nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

Thành tựu đạt được của việc triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Châu Thành A có thể được đánh giá là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì, phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và đặc thù riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội khác với tổ chức tín dụng tại địa phương. 

Những năm đầu mới thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội Châu Thành A, trên địa bàn huyện chỉ có 2 chương trình được ủy thác, đến nay, các tổ chức chính trị xã hội đang thực hiện ủy thác 16 chương trình tín dụng chính sách. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt hơn 368 tỷ đồng, với gần 13.000 khách hàng đang vay vốn, chiếm 97,7% tổng dư nợ tín dụng chính sách triển khai tại đơn vị.

Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành A đạt gần 379 tỷ đồng, tăng gấp 111,4 lần so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động (ngày 24/03/2004). Toàn địa bàn huyện hiện có 292 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 79 ấp, trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với gần 13.000 thành viên.

Giảm nghèo bền vững

Chú thích ảnhNhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình nhà ông Lý Sót và bà Sơn Thị Bảy (ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A) đã nuôi 2 con học xong đại học, cao đẳng và xây được căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. 

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành A cho biết, trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách triển khai qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã giúp hàng ngàn hộ vượt qua khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất, ổn định cuộc sống. Cụ thể, nguồn vốn này đã giúp trên 14.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 3.500 lao động, hỗ trợ hơn 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới, cải tạo 33.600 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và xây dựng, sửa chữa trên 1.200 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Việc triển khai chương trình tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Do đó, từng bước thay đổi nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Châu Thành A tiếp tục quan tâm, nhận thức sâu sắc, xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, huyện tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn của điểm giao dịch tại xã, thị trấn để chuyển tải kịp thời, hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều, từ nguồn vốn của các chương trình tín dụng chính sách đã cho vay trên địa bàn huyện Châu Thành A, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 7 lần, cuộc sống của nhân dân ngày một ổn định. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện bình quân hằng năm từ 1% trở lên cũng như góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại huyện Châu Thành A. 

Ông Trần Ngọc Tần, ở  ấp Trường Lợi A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A cho biết, trước kia, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, sau đó thoát nghèo nhưng kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhà ông có 0,1 ha đất ruộng thường xuyên bị nhiễm phèn nên canh tác thường bị mất mùa. Thêm vào đó, do kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, không có tiền để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc cho ruộng lúa, mỗi khi tới đợt bón phân, thuốc cho cây lúa, gia đình ông phải mua nợ ngoài đại lý, đến mùa thu hoạch lúa mới trả tiền. Do vậy giá mua phân, thuốc thường cao hơn giá thực tế, làm chi phí sản xuất lúa tăng cao, giảm thu nhập, có những vụ mùa tiền bán lúa chỉ đủ để bù đắp chi phí.

Năm 2021, thực hiện chủ trương của huyện về việc cho vay vốn từ nguồn ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để người dân mua phân, thuốc chăm sóc vườn cây ăn trái, ruộng lúa, ông được chính quyền địa phương bình xét cho vay 60 triệu đồng. Với số vốn vay được, ông đầu tư chăn nuôi, đặc biệt dùng để mua phân bón, thuốc trừ sâu cho diện tích trồng lúa, sau một năm, với 3 vụ lúa làm được, trừ các loại chi phí, gia đình ông có thu nhập trên 50 triệu đồng. So với những năm trước, thu nhập của gia đình ông tăng thêm từ 10 - 20 triệu đồng, do tiết giảm chi phí chăm sóc ruộng lúa. 

Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành A cho biết, mục tiêu của địa phương là 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Phòng giao dịch phấn đấu tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm tối thiểu 10% và tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho đơn vị còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo.

Nguồn bài viết