Hoạch định hướng phát triển mới cho vịnh Vân Phong

2 năm trước 353
Hoạch định hướng phát triển mới cho vịnh Vân Phong - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác thị sát khu vực bắc Vân Phong sáng 11-5 - Ảnh: LINH TUẤN

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đây là một nội dung quan trọng trong thực hiện kết luận số 53-KL/TW ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về "Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030".

Thuê tư vấn nước ngoài lập điều chỉnh quy hoạch

Ông Nguyễn Hải Ninh - bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - cho biết nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII (2020-2025) xác định một trong bốn động lực phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 5 năm tới tập trung là phát triển khu vực Bắc Vân Phong, tạo động lực mới. Hiện Khánh Hòa đang lập điều chỉnh quy hoạch chung phát triển khu kinh tế Vân Phong (địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa) để trình Thủ tướng phê duyệt, nên cần sự định hướng, góp ý kiến của Ban Kinh tế trung ương cùng các bộ, ngành trung ương.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ví von Vân Phong được nhìn nhận như một cô gái đẹp, nhưng đã "ngủ quên" trong 9 năm qua do mô hình phát triển chưa phù hợp.

Chẳng hạn trong 5 năm qua, khu kinh tế Vân Phong chỉ đầu tư phát triển hạ tầng chưa đến 1.000 tỉ đồng, thu hút chỉ 41 dự án mới. Tính đến nay, tại khu kinh tế này có 153 dự án đầu tư (trong đó có 123 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỉ USD nhưng thực hiện chỉ 1,4 tỉ USD, đạt 33%.

Theo ông Tuân, tháng 6-2020, Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050; tiếp đó đã đồng ý thực hiện thủ tục để đưa khu kinh tế này thành một trong những khu kinh tế ven biển của cả nước.

Hiện tỉnh Khánh Hòa đã nhận tài trợ và hợp đồng các tổ chức tư vấn nước ngoài để lập điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong. Trong điều chỉnh quy hoạch mới, Bắc Vân Phong sẽ thành một trong những khu kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá và Nam Vân Phong thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển với các ngành chủ lực về năng lượng, đóng tàu, dịch vụ vận tải biển.

Cần cơ chế đặc thù

Ông Trần Duy Đông - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư - nhìn nhận rằng Vân Phong có ưu thế rất lớn là cảng nước sâu, với luồng vào cảng -22m đảm bảo cho các loại tàu hàng lớn, lại có vị trí rất "đắc địa", nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi châu Âu, Đông Bắc Á và Hoa Kỳ. Vì vậy, cần phát triển Vân Phong thành khu kinh tế thương mại tự do quốc tế gắn với cảng quốc tế nước sâu.

"Có thể phát triển thêm các ngành trọng điểm trong khu kinh tế Vân Phong gắn với trung tâm mua sắm miễn thuế, nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp chữa bệnh, dịch vụ cao cấp, trung tâm công viên du lịch chủ đề gắn với đô thị, không nên thu hút đóng tàu nữa. Để làm được điều ấy cần phải có cơ chế đặc biệt bằng nghị quyết đặc thù của Quốc hội để có các chính sách về hải quan, về hàng hóa, cơ quan quản lý cảng , miễn thuế, miễn visa…" - ông Đông nói.

Hoạch định hướng phát triển mới cho vịnh Vân Phong - Ảnh 2.

Biển vịnh Vân Phong - Ảnh: LINH TUẤN

Tương tự, ông Nguyễn Nhật - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - nói rằng Vân Phong được Thủ tướng quy hoạch là cảng nước sâu loại 1A và cảng trung chuyển quốc tế. "Do vậy, không thể để cảng Vân Phong thành một cảng bình thường như những cảng khác được. Chúng tôi sẽ cùng tỉnh Khánh Hòa làm quy hoạch cảng Vân Phong xứng tầm" - ông Nhật nói. Cũng theo ông Nhật, tương lai Vân Phong rất "sáng" khi sẽ có đường cao tốc Tuy Hòa - Vân Phong, Vân Phong - Cam Ranh trong hệ thống cao tốc phía đông.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đông Sơn - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - nói định hướng phát triển khu kinh tế Vân Phong phải gắn với xu hướng các khu kinh tế thế giới: hiện đại, bền vững và bao trùm, trong đó kinh tế xanh rất quan trọng. Phát triển theo hướng các cụm ngành, các ngành phát triển tương tác, hỗ trợ, không chỉ kinh tế mà cả đô thị.

"Phải chọn mô hình quản trị phù hợp cho Vân Phong, cùng với đó cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư và kinh doanh. Nhà đầu tư chiến lược không nên chỉ nhắm vào quốc tế, mà sắp tới nên nhắm nhà đầu tư chiến lược trong nước tạo tương tác" - ông Sơn "tư vấn".

Hoạch định hướng phát triển mới cho vịnh Vân Phong - Ảnh 3.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị phải biến Vân Phong thành động lực thực sự cho sự phát triển của Khánh Hòa - Ảnh: DUY THANH

Kết luận buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh đánh giá rằng Khánh Hòa thực hiện tương đối tốt những mục tiêu của kết luận 53 của Bộ Chính trị, có nhiều bước tiến mới trong phát triển, trong đó có sự đầu tư phát triển cho Vân Phong.

Tuy nhiên, ông Anh cũng nói: "Vẫn còn nhiều vấn đề lớn đặt ra cho khu kinh tế Vân Phong. Nhìn nhận thẳng thắn là có những lúc Vân Phong lại cản trở sự phát triển của tỉnh. Bây giờ phải có những quyết sách, đường hướng, chủ trương mang tính chiến lược và dài hạn, tầm nhìn rộng cho Vân Phong, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, biến nơi này thực sự là động lực cho kinh tế Khánh Hòa".

Ông đề nghị cần sớm xây dựng hoàn thiện đề án phát triển khu kinh tế Vân Phong, đánh giá đầy đủ những tồn tại, đề xuất cơ chế chính sách mới cho khu kinh tế và thống nhất cần đề xuất một đề án với cơ chế đặc thù do Quốc hội quyết nghị.

Ông cũng nói Ban Kinh tế trung ương và các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá kỹ và hỗ trợ cho Khánh Hòa xác định mô hình khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế ven biển, khu thương mại tự do… để đưa vào tổng kết của kết luận 53 và kết luận mới của Bộ Chính trị cho sự phát triển của Khánh Hòa.

Vân Phong muốn có đô thị lấn biển, du lịch có casino

Ông Nguyễn Tấn Tuân nói hướng phát triển của Vân Phong có định hướng 5 nhóm ngành nghề: du lịch cao cấp theo hướng có casino ở khu phi thuế quan; công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao; nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ nuôi biển tiên tiến của Na Uy; hậu cần cảng biển; logistics và đóng tàu theo hướng công nghiệp.

20210511 tan tuan

Ông Nguyễn Tấn Tuân - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: DUY THANH

Theo quy hoạch cũ, khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000ha, gồm 70.000ha đất và 80.000ha mặt biển. "Vừa rồi tư vấn có đề xuất đưa xã Xuân Sơn của huyện Vạn Ninh có diện tích 5.000ha vào khu kinh tế để phát triển du lịch nông nghiệp, đề xuất lấn biển 1.500ha để hình thành khu đô thị - dịch vụ" - ông Tuân nói.

Nguồn bài viết