Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã

3 năm trước 321

Nhiều chính sách nhưng phân tán, chồng chéo

Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật về động vật hoang dã của Việt Nam bao gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004); Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Đa dạng sinh học 2008. 

Đáng chú ý là Bộ Luật Hình sự năm 1999, lần đầu tiên có 1 điều quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190); Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cũng bổ sung thêm quy định về động vật hoang dã, theo đó, khung hình phạt cũng như mức hình phạt hình sự cũng được tăng lên.

Chú thích ảnhCông an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang vụ buôn bán rùa biển lớn nhất năm 2020. Ảnh: ENV. 

Mặc dù các quy định pháp luật đã có, nhưng theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), trong thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể: Khi cơ quan chức năng bắt được một vụ việc vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, thì lại mất rất nhiều thời gian cho khâu giám định bởi những thủ tục giám định. Trong khi đó, việc bảo quản các "tang vật" sống rất khó khăn. Đồng thời, hiện nay chưa có quy định rõ ràng rằng các cá thể động vật hoang dã sẽ được xử lý như thế nào sau khi kết thúc vụ án; chưa có quy định rõ ràng về việc các con vật sẽ được chăm sóc, cứu hộ như thế nào tại trụ sở cơ quan thực thi pháp luật trước khi có kết luận giám định.

Cùng với đó, sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật về vấn đề này chưa thực sự hiệu quả, thiếu chặt chẽ do quy định pháp luật về chức năng, thẩm quyền chưa rõ ràng, mỗi ngành, cấp có các ưu tiên khác nhau. Các cơ chế phối hợp, quy trình điều tra sau khi bắt giữ các cá thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã chưa được quy định rõ, trong khi vấn đề này liên quan đến rất nhiều lực lượng như hải quan, biên phòng, kiểm lâm sang công an, cơ quan giám định, viện kiểm sát và toà án...

“Luật chồng chéo nhau nhưng quy định, điều kiện cấp phép của văn bản nào cũng rất sơ sài, chỉ quy định chung chung, thiếu hướng dẫn cụ thể. Nói nôm na, quy định của Luật hiện nay giống như có chuồng, có khung nhưng thiếu rất nhiều song sắt”, bà Hà nhận xét.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận, mặc dù Việt Nam đã có nhiều văn bản quy định về ĐVHD nhưng vẫn thiếu vì có nhiều vấn đề mới phát sinh. Có nhiều nội dung đã có nhưng do tính chất phức tại nên chưa theo kịp tình hình thực tế.

Cùng với đó, vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT.

Hoàn thiện chính sách

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho hay, tình trạng gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích phi thương mại tại các vườn thú, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học do tư nhân thành lập là trăn trở của ENV nhiều năm nay. Hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ trong quản lý hoạt động của các cơ sở phi thương mại và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học như hiện nay không những cản trở hoạt động của các cơ sở chân chính mà còn tạo ra những kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng làm “vỏ bọc” để tiến hành các hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép, tác động tiêu cực đến các nỗ lực bảo vệ ĐVHD và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Do đó, theo bà Hà, thời gian tới cần có những chính sách cụ thể cho vấn đề này.

Riêng về vấn đề gây nuôi động vật hoang dã, tại Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm túc các giải pháp quản lý động vật hoang dã gây nuôi; tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, đảm bảo nguồn gốc.

Chú thích ảnhMột con gấu bị nuôi nhốt trái phép. Ảnh: ENV.

Theo chỉ thị, các đơn vị được giao kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, nhất là vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ của động vật hoang dã gây nuôi. Lập cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ để theo dõi, giám sát.

Cùng với đó là tăng cường chỉ đạo các biện pháp giám sát bệnh dịch, vệ sinh thú y tại các cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã; tiếp tục tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ về quản lý động vật hoang dã, trình Chính phủ ban hành tiêu chí và danh mục động vật có nguồn gốc hoang dã được thuần dưỡng để chuyển sang quản lý theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; rà soát quy định pháp luật hiện hành, đề xuất, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

Bà Hoàng Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học cho rằng, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài nguy cấp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, chính sách về bảo vệ động, thực vật hoang dã, tiến tới loại bỏ những bất cập và sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật; tạo sinh kế bền vững và hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; Xây dựng và thực hiện các chương trình bảo tồn loài nguy cấp được ưu tiên bảo vệ.

Đặc biệt, tăng cường nguồn lực, năng lực cho công tác quản lý và thực thi pháp luật để bảo tồn hiệu quả tại chỗ và chuyển chỗ các loài nguy cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD tới cộng đồng, đặc biệt cần công khai thông tin về các vụ vi phạm về bảo vệ loài nguy cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm; nghiên cứu, quảng bá các sản phẩm nhằm thay thế các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp...

Bà Nhàn cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đối tác để bảo vệ ĐVHD nguy cấp, thay bằng các hoạt động riêng lẻ thì kêu gọi các tổ chức sẵn sàng tham gia để xây dựng và phối hợp sẽ tạo ra tác động lớn.
 

Nguồn bài viết