G7 thống nhất lập trường về Trung Quốc, Trung Quốc lập tức đả kích G7

2 năm trước 259
G7 thống nhất lập trường về Trung Quốc, Trung Quốc lập tức đả kích G7 - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại họp báo ở Cornwall, Vương quốc Anh, ngày 13-6 - Ảnh: REUTERS

Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển G7 đã có hội nghị Thượng đỉnh tại Anh trong 3 ngày, từ ngày 11 đến 13-6. Có 3 vấn đề chính mà các nước G7 quan tâm sau khi hội nghị ngày 13-6 kết thúc: điều tra nguồn gốc COVID-19, phân phối vắc xin và hành động vì biến đổi khí hậu.

Nguồn gốc COVID-19

Các nước G7 thảo luận và đưa ra lập trường thống nhất về Trung Quốc, đi sâu vào nhiều vấn đề nhạy cảm, bao gồm điều tra về nguồn gốc COVID-19, Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương.

"Chúng tôi kêu gọi tiến hành một cuộc nghiên cứu kịp thời, minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và do các chuyên gia lãnh đạo, bao gồm khuyến nghị trong báo cáo của các chuyên gia ở Trung Quốc", hãng tin Reuters dẫn thông cáo của G7.

Các nước G7 cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt liên quan đến Tân Cương và Hong Kong.

G7 cũng cho biết họ đề cao "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển này."

"Chúng tôi đặc biệt quan ngại về tình hình ở Biển Đông và phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng hay gia tăng căng thẳng."

Hãng tin Reuters ngày 13-6 dẫn lời người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở London (Anh) đả kích hội nghị G7, rằng "thời kỳ một nhóm nhỏ quốc gia quyết định vận mệnh của thế giới đã qua lâu rồi."

Vắc xin COVID-19

Các nước G7 tuyên bố cung cấp 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 trong năm tới, đồng thời đẩy mạnh sản xuất vắc xin trên khắp thế giới.

"Ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu về vắc xin. Các đối tác đã tham gia cùng chúng tôi để đẩy nhanh quá trình sản xuất và cung ứng vắc xin trên toàn cầu", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói.

Số vắc xin đóng góp sẽ dựa trên lượng vắc xin có thể xuất khẩu từ những nhà sản xuất nội địa của các nước thành viên.

Có ít nhất 700 triệu liều vắc xin COVID-19 đã hoặc sẽ được xuất khẩu trong năm nay. Ít nhất 50% số lượng vắc xin trong số đó đã được chuyển đến các nước không thuộc khối G7.

G7 cũng cam kết tiếp tục sản xuất số lượng lớn vắc xin, thúc đẩy tự nguyện cấp phép và sản xuất phi lợi nhuận vắc xin trên toàn cầu.

Biến đổi khí hậu

G7 cam kết viện trợ nhiều hơn cho các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và ngừng các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục huy động 100 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2025, nhằm giúp các nước đang phát triển cắt giảm khí thải carbon và ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chủ trì cuộc họp, nói rằng các quốc gia phát triển phải tiến xa hơn và nhanh hơn.

"Các nước G7 chiếm 20% lượng khí thải carbon toàn cầu và chúng tôi nhất trí sẽ bắt đầu hành động", ông Johnson nói.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường không ấn tượng về các cam kết khí hậu của G7, vì cho rằng có rất ít thông tin cụ thể về cách các nước sẽ cắt giảm khí thải, cũng như kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Catherine Pettengell, người đứng đầu Mạng lưới Hành động Khí hậu (CAN) cho biết điều đáng khích lệ là các nhà lãnh đạo đã nhận ra tầm quan trọng của biến đổi khí hậu, nhưng họ phải có hành động cụ thể về việc cắt giảm ngân sách phát triển nhiên liệu hóa thạch và chấm dứt đầu tư vào các dự án như các mỏ dầu khí mới.

G7 và tham vọng tái định hình thế giớiG7 và tham vọng tái định hình thế giới

TTO - Kết thúc ngày 11-6 với phần lớn những màn chào hỏi, lãnh đạo các nước G7 bước vào ngày làm việc 12-6 với những chủ đề quan trọng nhất: phục hồi kinh tế và chính sách đối ngoại.

Nguồn bài viết