'Em ước mong sao – I wish', lời nhắn nhủ của các tác giả đặc biệt

1 năm trước 173

Cuốn sách là những dòng tâm sự chân thật, hồn nhiên của những em nhỏ đã dũng cảm đối diện với căn bệnh ung thư và những em học sinh dù chịu nhiều thiệt thòi khi có cha hoặc mẹ mắc phải căn bệnh này, nhưng vẫn nỗ lực không ngừng để đạt kết quả học tập tốt.

Chú thích ảnh

Trong cuốn sách nhỏ này, các em không ngần ngại chia sẻ cảm nhận về căn bệnh mà mình hoặc bố mẹ đang mắc phải.

Em Trần Thị Bảo Y chia sẻ: “Đối với em, ung thư giống như một cơn giông bão kéo dài trong cơ thể của em. Mỗi lần truyền thuốc mệt hoặc phải vào phòng cấp cứu, tâm hồn em như có những đợt sấm sét và gió lốc đáng sợ. Nó làm em trở nên yếu đuối và buồn bã. Giá như cơn giông bão này có thể bớt hung dữ hơn và trở thành một cơn mưa nhỏ thôi thì tốt biết bao. Đến lúc đó, cơ thể của em sẽ được tươi mát và nhẹ nhàng. Tâm hồn của em lúc đó sẽ giống một khu vườn mùa xuân bình yên với nhiều hoa nở và tiếng chim hót líu lo”. 

Còn với em Nhật Phúc: “Đã có lúc em tưởng tượng “ung thư” đang chạy nhảy trong người em, giống như một con báo đen đang chạy hết tốc lực để săn mồi. Khi em truyền thuốc “mê - thô”, cảm giác đó rất rõ ràng. Em tưởng tượng như đang bị móng vuốt của con báo đen cào vào bụng, vào chân. Em bị đau nhức và nóng bừng cả người. Lúc đó em đã ước trong người mình sẽ xuất hiện một con hổ khổng lồ, to khỏe, dũng mãnh. Nó chỉ cần gầm lên một tiếng thôi, con báo sẽ co giò bỏ chạy mất hút”.

Cũng là một bệnh nhân ung thư, em Bùi Minh Đ. chia sẻ: “Điều thứ hai em không thích khi ở bệnh viện là phải chọc tủy. Lần đầu tiên chọc tủy, ngay khi bước vào căn phòng ấy, em đã khóc ầm lên rồi. Bác sĩ đã phải nhờ cả bố và mẹ vào phòng cùng em để giữ chân em lại. Lúc bác sĩ tiêm thuốc gây tê vào tủy, em khóc ré lên vì đau nhói. Ít giây sau, dù không đau nữa nhưng em vẫn khóc tiếp. Khi bác sĩ đưa kim vào rồi rút tủy của em ra, em vẫn đang khóc. Em cảm nhận có thứ gì đó đã được rút ra khỏi cơ thể của mình và điều đó làm em lo lắng”. 

Với Phạm Hoàng Mai S., chứng kiến nỗi đau mà bố mình phải chịu đựng, em tâm sự: “Những cơn đau dày vò thân xác gầy nhom, ốm yếu của bố ám ảnh trong tâm trí em mọi lúc. Em thương bố lắm, nhưng đã không biết làm gì hơn ngoài khóc thầm theo từng cơn đau của bố. Mất bố là mất đi “trụ cột” của gia đình, là một tổn thất nặng nề đối với mẹ con chúng em. Vậy mà, khi nỗi đau mất bố của em chưa nguôi ngoai, căn bệnh ung thư quái ác lại một lần nữa tìm đến mẹ của em”.

Các em có những câu chuyện của riêng mình, những cảm xúc của riêng mình với ông bà, bố mẹ, anh chị em, bác sĩ, hoặc người bạn thân nhất. Tất cả đều tràn đầy nét ngây thơ, nhiều tình yêu thương và cả lòng biết ơn. Từ những tình cảm thân thương đó, các em có những ước mơ tươi đẹp.

“Càng lớn dần lên, em càng thấy tội nghiệp anh trai của em. Đôi lúc em thấy có lỗi với anh. Cả nhà vì muốn tiết kiệm tiền cho em đi viện mà anh phải chịu thiệt thòi. Em biết anh ấy rất muốn được tổ chức sinh nhật, nhưng anh biết nhà mình nghèo nên không bao giờ đòi hỏi mẹ. Em ước mong một ngày nào đó bố mẹ em có nhiều tiền. Lúc đó anh trai của em sẽ được tổ chức sinh nhật giống như em. Lúc đó chắc chắn anh ấy sẽ rất vui”. (Đào Duy Kh).

“Những ngày bố mẹ vắng nhà, em rất nhớ bố mẹ. Em buồn và lo lắng cho sức khỏe của bố, nhưng em chẳng thể làm gì được cả. Điều duy nhất em làm được đó là tự chăm sóc bản thân, tự giác học tập và bảo ban em gái để bố an tâm chữa bệnh”. (Vũ Hà L).

“Em sung sướng phát khóc vì đó là sinh nhật đầu tiên em được cầm trên tay chiếc bánh kem. Đó cũng là lần đầu tiên em được thổi nến và được ước nguyện như tất cả những đứa trẻ khác trong ngày sinh nhật của mình…
Em cũng đã ước bố mẹ sẽ đỡ vất vả hơn. Em ước gia đình mãi yêu thương nhau và không bị xa cách nhau nữa. Em biết, em đã ước hơi nhiều nhưng đây là lần đầu tiên em có cơ hội được thổi nến và được ước nguyện trong ngày sinh nhật của mình. Em muốn ước bù lại cho nhiều năm trước đó em chưa được ước”. (Bùi Tiến M)

“Điều trị ở đây rất “nhọc”. Nhiều lúc đang ngủ, em bị các cô y tá gọi dậy để lấy máu xét nghiệm hoặc để truyền thuốc rất đau. Vì thế, em mong muốn trở thành bác sĩ để chữa căn bệnh này cho mọi người, để mọi người ngủ ngon giấc hơn, không phải thức giấc giữa chừng như em nữa. Em sẽ cố gắng ăn uống tốt để mau chóng khỏi bệnh và trở về nhà. Lúc đó em sẽ cố gắng học thật giỏi để thực hiện ước mơ này”. (Vương Tuấn M).

Những dòng tâm sự này của các bạn nhỏ được ghi chép và chấp bút bởi cô Hoàng Thị Diệu Thuần, người sáng lập Mạng lưới Vì trẻ em ung thư, trong suốt quá trình cô hoạt động tình nguyện từ năm 2016.

Bản thân cô Diệu Thuần cũng từng là bệnh nhân ung thư điều trị ung thư máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương từ khi 17 tuổi, nên có nhiều sự đồng cảm với các bé.

Thông qua các hoạt động duy trì hàng tuần của Mạng lưới Vì trẻ em ung thư tại bệnh viện,  cô Diệu Thuần đã có nhiều cơ hội được quan sát, trò chuyện, lắng nghe những tâm sự và câu chuyện của các bạn nhỏ. Sau khi nhận được sự đồng ý của các em và gia đình các em, cô Diệu Thuần và Mạng lưới Vì trẻ em ung thư quyết định thực hiện cuốn sách này. 

Các hoạt động xã hội của Mạng lưới Vì trẻ em ung thư:

- Chương trình Học bổng “Em ước mong sao” dành cho học sinh cấp 2, cấp 3 có cha mẹ mắc ung thư.

- Chương trình tình nguyện “Lớp học thứ Bảy”.

- Tổ chức tình nguyện học tập, vui chơi cho bệnh nhi ung thư tại Khoa Bệnh máu trẻ em của Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương

- Chương trình tạo việc làm “Đôi bàn tay mẹ”

- Tạo sinh kế bằng nghề thêu cho phụ huynh bệnh nhi tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương.
 
Nguồn bài viết