Dịch COVID-19: Coi trọng sức khỏe, tính mạng con người là trên hết

2 năm trước 255
Chú thích ảnhLãnh đạo tỉnh Cao Bằng chia tay đoàn cán bộ, y bác sĩ đi hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Linh hoạt trong phòng dịch COVID-19

Nhiều địa phương có sáng tạo trong phòng, chống dịch như Hà Nội chia thành 3 tầng điều trị. TP Hồ Chí Minh theo mô hình tháp 4 tầng. Nam Định, thực hiện chiến lược phát triển ngành khoanh vùng gọn, cách ly, kịp thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm, sàng lọc, điều trị tích cực ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng...  

Ông Nguyễn Hải Dũng, Trưởng Ban Pháp chế, Ủy viên Thường trực HĐND, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, bằng nhiều hình thức, các địa phương đã động viên được nhiều lực lượng, nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các nhà khoa học, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vaccine Nano Covax, thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác truyền thông rộng rãi, thông tin, kịp thời, minh bạch để an dân, giữ vững trật tự, ổn định xã hội. Qua đó cho thấy tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ chia ngọt sẻ bùi của đồng bào cả nước mỗi khi đất nước gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Hệ thống chính trị đã và đang vận hành có hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Biểu hiện của những đặc điểm này là những quyết sách được ban hành phù hợp tình hình thực tế, được người dân chấp nhận tuân thủ hoạt động của chính quyền, không bị rối khi một địa phương dịch bùng phát thì nhiều địa phương khác chi viện.

Thực tế đang chứng minh mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là đúng đắn và đang đi đúng hướng với phương châm sức khỏe, tính mạng con người là trên hết. Điều này được minh chứng bằng những kết quả được ghi nhận của con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là 5,64% và cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng điểm, triển vọng lên tích cực và cả nước đã và đang cố gắng kiềm chế dịch bệnh.

Mặc dù những chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ đã có hiệu lực sớm, phát huy tác dụng ngay lập tức nhưng đây mới dừng lại ở biện pháp tức thời, ngắn hạn và nằm ở nhiều văn bản rải rác, chưa có hệ thống, chưa ổn định và có sức sống lâu dài.  

Cần lưu tâm đến những tổn thất về sức khỏe tinh thần của người dân

Đại dịch COVID-19 đã phá vỡ thói quen sinh hoạt, làm việc, học tập của người dân và để kiềm chế sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh, chúng ta đã phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa, những nhu cầu đơn giản của cuộc sống bình thường trước kia đã trở thành xa xỉ không thể thực hiện được khi dịch bùng phát.  

Chú thích ảnhĐoàn thiện nguyện và người dân thị trấn Thạch Hà (Hà Tĩnh) nấu cơm cho công dân cách ly tại trường Mầm non thị trấn. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, dường như đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến những thiệt hại về mặt kinh tế và những tác hại trên lĩnh vực sức khỏe thể chất mà dịch bệnh COVID-19 gây ra cho con người, còn một thiệt hại lớn lao và sâu sắc khác cũng không kém, đó là tổn thất về sức khỏe tinh thần.

“Những tổn thương về tâm lý, tinh thần mà dịch bệnh gây ra cho con người khó nhận biết hơn, khó tính toán cụ thể nhưng đó là những tác động ngầm gây ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của con người mà hậu quả của nó để lại không kém những tổn thất về kinh tế gây ra”, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.

Để đối phó với dịch bệnh, học sinh học trực tuyến, làm việc trực tuyến, giãn cách xã hội, cách ly là những giải pháp cần thiết, cấp bách, hiệu quả để chống dịch. Nhưng điều này có phần tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người, sự mệt mỏi, lo lắng, bất an khi chứng kiến dịch bệnh kéo dài, nỗi hoảng loạn đối với những người mất người thân, sự u uất, chán chường của những người bị mất việc làm, mất thu nhập, bị phá sản, những kế hoạch cho cuộc sống bị đảo lộn.  

Tất cả những điều này tạo thành tâm lý nặng nề cho con người mà nếu không được quan tâm đúng mức sẽ xảy ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhiều nước trên thế giới có những khảo sát, nghiên cứu công phu, nghiêm túc về tác động tiêu cực của dịch bệnh lên sức khỏe tinh thần của con người, nhưng ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này.

Một trong những kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cũng nêu rất rõ, đó là: Trong bối cảnh phải cách ly, giãn cách xã hội, một bộ phận trẻ em không được đến trường lớp và không được vui chơi tương thích với lứa tuổi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới tâm sinh lý của các em, cho nên cần sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết. Có thể thấy bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh đã tác động đến những nhu cầu cơ bản của con người để có được một cuộc sống bình thường và sự thiếu hụt những nhu cầu này nếu kéo dài sẽ tác động rất sâu sắc đến tâm lý, tình cảm của con người.  

Song song với việc tìm những giải pháp để phát triển, phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch, ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan cần có những giải pháp phù hợp để đại dịch COVID-19 không trở thành cuộc khủng hoảng tâm lý xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, tư duy của nhân dân.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng: Cần quan tâm và đảm bảo nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội sau đại dịch. Lắng nghe, rà soát, kịp thời xử lý các dư luận xã hội tiêu cực, sai lệch, gây chia rẽ, mất đoàn kết. Tăng cường triển khai các chương trình hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng để lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin và kỳ vọng của nhân dân.

“Trước tình hình COVID-19 hiện nay, trong việc chuẩn bị kịch bản cho việc dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước với những tổn thất, thiệt hại có thể là sẽ nặng nề hơn, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực phòng dịch, chúng ta cần chuẩn bị cả về mặt tâm lý của nhân dân để khi rơi vào tình huống đó có thể chủ động về vật chất và vững vàng, tỉnh táo về mặt tâm lý nhân dân, về mặt dư luận xã hội”, bà Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.

Bên cạnh những nỗ lực đẩy lùi COVID-19, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến những hệ quả sau đại dịch. Đó không chỉ là những thiệt hại cụ thể về kinh tế mà dịch bệnh COVID-19 cũng sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực về lối sống, cách sinh hoạt, tâm lý xã hội của người dân. Vì vậy, cần dự liệu đầy đủ và toàn diện các tác động của COVID-19 trên mọi mặt và mọi lĩnh vực, kể cả về kinh tế và tâm lý, về xu hướng xã hội để chúng ta có những hướng đi, phương án đầu tư, phát triển, phục hồi đúng đắn, phù hợp sau đại dịch. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, chúng ta đã chủ động phòng, chống dịch COVID-19 với việc xây dựng kịch bản, phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã sớm đàm phán mua vaccine để tiêm đại trà cho nhân dân. Chuẩn bị huy động nguồn lực con người, huy động cơ sở vật chất, phục vụ khám, sàng lọc và điều trị bệnh nhân. Ban hành rất nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cùng các biện pháp phù hợp, kiên quyết để chống lây lan dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.
Chú thích ảnh
Nguồn bài viết