Doanh nghiệp Việt bắt đầu làm chủ trong các thương vụ M&A

2 năm trước 190
Doanh nghiệp Việt bắt đầu làm chủ trong các thương vụ M&A - Ảnh 1.

Các chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đàm trực tuyến - Ảnh: HẢI KIM

Đưa ra nhận định này tại hội thảo "M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị", được tổ chức ngày 15-10, ông Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thị trường này cũng có những đặc điểm đáng chú ý. 

Nổi bật là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội, có thời gian nhiều người từng lo doanh nghiệp nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt, và đặt vấn đề liệu nên có chính sách hạn chế không thì nay không còn nghi ngại. 

Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18% thì sang năm 2019 - 2020 tăng lên 30%. Các chủ thể tham gia vào M&A từ năm 2019 - quý 1 của năm 2021 có 49% là doanh nghiệp Việt Nam. Các địa bàn diễn ra M&A thì 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài. Điều này cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và là dấu ấn rất quan trọng.

"Tính chất M&A cũng thay đổi sang hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay cho thôn tính. Giai đoạn 2019 - 2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập, tức triệt tiêu một bên. Còn lại 80% mua lại (mua cổ phần chiếm tỉ lệ đa số) để kiểm soát, và 9% là liên doanh. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng", ông Hiếu phân tích. 

Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng cho rằng hậu dịch cũng là thời điểm hợp lý, để các doanh nghiệp "dọn dẹp" lại sau khi bị "cơn bão" quét qua. 

Đây không chỉ là cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp, mà nếu có cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, còn là cơ hội thay đổi chân dung doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, đẩy mạnh M&A lúc này còn để kéo doanh nghiệp yếu dậy, kéo nền kinh tế đứng lên sau đại dịch. Đồng thời, tạo thêm áp lực cho Chính phủ trong việc đưa ra các cải cách, cải tiến… thúc đẩy chính sách để đẩy mạnh M&A.

"Chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế được Chính phủ đang xây dựng theo nghị quyết Quốc hội ở kỳ họp thứ nhất, để xây dựng hình hài nền kinh tế sắp tới đòi hỏi một khu vực doanh nghiệp năng động hơn, dễ thích ứng hơn. Tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp, sẽ giúp phân bổ nguồn lực hợp lý hơn thì chủ thể doanh nghiệp tự cải thiện để khỏe hơn", ông Thiên nhận định. 

M&A ngành dịch vụ vẫn sôi động

Hoạt động M&A toàn cầu có sự sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2020 với tổng giao dịch 917 tỉ USD, nhưng sự tăng trưởng lại rất nhanh trong nửa cuối năm khi dịch được kiểm soát, đạt giá trị 2.200 tỉ USD. Trong năm 2021, giá trị M&A toàn cầu dự kiến khoảng 2.600 tỉ USD.

Tương tự ở Việt Nam, trong năm 2020 tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ 3,5 tỉ USD. Không chỉ tác động ở con số mà dịch cũng làm thay đổi cơ cấu danh mục M&A. Ngành nghề tập trung nhiều trong M&A là bất động sản, chiếm tỉ lệ hơn 40%, ngành dịch vụ cũng bị tác động mạnh bởi dịch, song hoạt động M&A lại diễn ra mạnh mẽ với 18%.

Nguồn bài viết