Cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TW - Bài 1: Bến Tre nâng cao vai trò và năng lực làm chủ của nông dân

9 tháng trước 43
Chú thích ảnh Sơ chế dừa tươi (dừa uống nước) xuất khẩu ở Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Bài 1: Bến Tre nâng cao vai trò và năng lực làm chủ của nông dân

Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định về vai trò, vị trí, mối quan hệ gắn bó của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, tỉnh Bến Tre cũng đã định hướng nông dân nâng cao vai trò cũng như khả năng làm chủ tại khu vực nông thôn, đưa nông thôn Bến Tre ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh.

Tư duy tiến bộ

Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã mở ra một con đường mới cho khu vực nông thôn, song song với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Điều này cũng đồng nghĩa, người dân nông thôn liên tục học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy sản xuất, chủ động nắm bắt thị trường và bắt nhịp xu thế phát triển của khu vực đô thị. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, tiếp thu các quan điểm từ Nghị quyết 19-NQ/TW cũng như Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã ban hành Chương trình số 30/CTr/TU ngày 8/11/2022 để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kế hoạch số 378/KH-UBND ngày 24/01/2023 để cụ thể hóa triển khai thực hiện Chương trình số 30/CTr/TU.

Sau 1 năm triển khai thực hiện tại tỉnh, đến nay các ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 19-NQ/TW và các văn bản triển khai của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Bến Tre huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp, gắn với vận dụng hiệu quả lợi thế của từng địa phương, bảo đảm triển khai đồng bộ và có chiều sâu. 

Ông Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh, nông dân Bến Tre ngày càng tiếp cận tốt hơn với công nghệ và tri thức, hăng hái tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, lao động sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nhiều sản phẩm đặc trưng, nhiều mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chính vì vậy, vị thế, vai trò trung tâm của người nông dân ngày càng được khẳng định.

Từ huyện Chợ Lách, quê hương của cây giống, hoa kiểng, chôm chôm đến Châu Thành, xứ sở tạo nên trái bưởi da xanh xuất khẩu đi khắp các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc hiện nay có nhiều đổi mới trong cách thức sản xuất. Nông dân nơi đây đã từ bỏ tư duy sản xuất mùa vụ, chuyển sang sản xuất theo thị trường.

Ông Võ Tấn Truyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách cho biết, tư duy mùa vụ vốn không mang lại hiệu quả kinh tế cao cho trái chôm chôm và trái sầu riêng Chợ Lách. Chính vì vậy, để nông dân có thu nhập cao, chính quyền địa phương, hội nông dân cùng với các hợp tác xã vận động chuyển đổi sản xuất sang thị trường.

Nếu như mùa chôm chôm chính vụ có nhiều địa phương đồng loạt sản xuất khiến cho trái chôm chôm Chợ Lách vấp sự cạnh tranh, hiệu quả kinh tế giảm một nửa, chi phí tăng, việc sản xuất trái vụ, gối đầu vụ lại mang lại hiệu quả gấp đôi bởi thị trường nhập khẩu rất cần để cung ứng cho người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Mừng, thành viên Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi, ấp Hoà Thanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành chia sẻ, hiện nay người dân trồng bưởi của Tổ hợp tác Hiệp Lợi có nhiều thay đổi lớn. Nông dân nơi đây được đưa đi học tập kinh nghiệm sản xuất từ các địa phương khác, tính toán được các hiệu quả từ công nghệ mang lại nên sẵn sàng thay đổi. Nhờ đó, gia đình 8 thành viên của bà Mừng ngày càng khá giả, nhà cửa khang trang, trình độ tri thức được nâng cao, góp phần thay đổi hệ nhận thức của người dân khu vực nông thôn. 

Nông thôn thay đổi

Để có được thành quả nông thôn hiện đại như ngày nay, là một quá trình phấn đấu, nỗ lực thay đổi toàn bộ hệ thống kinh tế, văn hoá, xã hội và quy mô ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân Bến Tre trong những năm qua. Đây là sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở Bến Tre. 

Theo ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre cho biết, Sở đã tham mưu triển khai thực hiện nhiều kế hoạch thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã, định hướng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận nền tảng số. Việc này nhằm hướng tới chuyển đổi số trong các hoạt động của đơn vị; tạo 10 website thương mại điện tử cho 10 đơn vị gồm hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất, công ty TNHH và hợp tác xã và tiếp tục hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay đã tổ chức 37 lớp tập huấn, hướng dẫn trực tiếp với hơn 1.600 người và 2 lớp tập huấn trực tuyến với 152 người tham gia. Kết quả đến nay có 8 hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.

Theo ông Lao Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, nhằm nâng cao năng lực cho nông dân tỉnh Bến Tre, Hội Nông dân đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền để thay đổi nhận thức của hội viên nông dân của tỉnh.

Chẳng hạn như tuyên truyền đổi mới tư duy về các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn gắn với tín hiệu thị trường trong nước và quốc tế.

Mặt khác, hướng nông dân tập trung đầu tư, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, cải tiến giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, tập trung vào các đối tượng trọng điểm, chủ lực và phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà. 

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tiếp tục khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ưu tiên đầu tư đúng mức cho khoa học công nghệ chuyển giao gắn với chuyển giao, định hướng cho người dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường nhằm ổn định khâu tiêu thụ, tăng thu nhập trên một đơn vị sản phẩm và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Đồng thời, Hội Nông dân cũng tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các quy trình công nghệ, thiết bị kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và an toàn với môi trường.

Ông Vương Thành Công, nông dân sản xuất bưởi da xanh xuất khẩu tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Bến Tre cho biết, qua các lần tập huấn công nghệ sản xuất từ Hội nông dân, hội viên nông dân được tiếp xúc với các công nghệ sản xuất hiện đại như quản lý sản xuất qua hệ thống điều khiển từ xa, hệ thống dự báo dịch bệnh cho các vườn cây. Thông qua các hệ thống này, nông dân được báo trước các loại dịch bệnh trên cây trồng và cả phương pháp phòng trừ. Đây là hệ thống giúp nông dân hạn chế được thiệt hại tối đa mà bất kì nông dân nào cũng mong muốn.

Cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TW - Bài cuối: Tháo gỡ vướng mắc để phát triển

Nguồn bài viết