Cảnh sát Dubai phá án nhờ công nghệ 'vân não'

3 năm trước 690
Công nghệ "vân não" (brain fingerprinting) là một kỹ thuật dùng điện não đồ để kiểm tra thông tin được lưu trữ trong não của đối tượng, thường thấy ở các thiết bị phát hiện nói dối. Muốn triển khai công nghệ này để bắt tội phạm, các chuyên gia phải đo lường sóng điện não, kết hợp với việc đặt câu hỏi và cho nghi phạm nhìn vào hình ảnh để gợi ra "phản hồi P300" - một thuật ngữ trong lĩnh vực khoa học thần kinh. 
Gần đây, các cảnh sát Dubai ứng dụng công nghệ vân não vào một vụ án mạng. Theo trung tá Muhammad Issa Al Hammadi, nạn nhân bị giết trong nhà kho có nhiều người đang làm việc. Những người có mặt tại hiện trường được đo sóng não trong lúc xem hàng loạt ảnh chụp hiện trường vụ án, trong đó, sóng não của một người phản ứng rất mạnh khi nhìn thấy hung khí gây án.
Cảnh sát Dubai phá án nhờ công nghệ 'vân não' - ảnh 1

Hình ảnh về hung khí, hiện trường vụ án có thể khiến não bộ của hung thủ phản ứng khác thường

Ảnh chụp màn hình

Trung tá Hammadi khẳng định các chuyên gia đã chọn ảnh rất cẩn thận và chỉ những người có mặt tại hiện trường hoặc liên quan đến vụ án mới có thể nhận diện những chi tiết trên ảnh.
Sau nhiều phiên điều tra, cơ quan cảnh sát ở Dubai đã đưa ra báo cáo chi tiết xác định danh tính của nghi phạm. Người này đã thú nhận tội ác và tiết lộ cách thức giết nạn nhân.
Các chuyên gia tâm lý học pháp y tại bộ phận Tội phạm học đã mất nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ vân não, góp phần giúp cảnh sát đẩy nhanh quá trình xác định thủ phạm và thực thi công lý sau khi có đầy đủ bằng chứng.
Thiếu tướng Ahmed Eid Al-Mansoori biểu dương nỗ lực của nhóm chuyên gia phát triển công nghệ vân não và áp dụng thành công vào thực tiễn. Đồng thời ông cũng bày tỏ hy vọng muốn dùng các công nghệ mới nhất để giải đáp những vụ án phức tạp hơn nữa.
Theo ông, công nghệ vân não có liên hệ mật thiết với tâm lý học vì bộ nhớ của con người lưu trữ mọi sự kiện, trải nghiệm trong cuộc sống. Bộ não kích thích và phát ra sóng khi những sự kiện này được gợi lại, do đó chỉ cần đo sóng điện phát ra từ não khi một người nhìn vào bức ảnh là có thể đoán phần nào những gì họ đã trải qua. Ông trình bày cụ thể: "Cảnh sát Dubai đo sóng não khi nghi phạm nhìn thấy hình ảnh về hiện trường hoặc hung khí gây án, rồi cung cấp kết quả phân tích xem liệu nghi phạm có mặt ở địa điểm gây án, có quen biết với nạn nhân hoặc nhận ra hung khí gây án hay không".
Cuối quá trình điều tra, cảnh sát vẫn cần thu thập chứng cứ để kết tội một người chứ không thể hoàn toàn dựa vào công nghệ một cách cảm tính. Nhìn chung, công nghệ vân não đến thời điểm hiện tại vẫn là kỹ thuật gây tranh cãi và cần được hoàn thiện hơn trước khi ứng dụng vào một công việc phức tạp như truy bắt tội phạm.
Nguồn bài viết