Cơ quan quản lý dược của Mỹ - FDA: Chưa cần tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19

2 năm trước 279
 Chưa cần tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Một người dân được tiêm nhắc lại vắc xin Pfizer-BioNTech tại tiểu bang Pennsylvania, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Theo báo New York Times, đây là lần đầu tiên FDA đưa ra quan điểm về đơn xin cấp phép tiêm liều bổ sung của Hãng dược Pfizer.

FDA công bố quan điểm này vào ngày 15-9 (giờ Mỹ), tức hai ngày trước khi ủy ban độc lập nhóm họp để đưa ra khuyến nghị liên quan tới yêu cầu của Pfizer.

FDA lên tiếng giữa bối cảnh vấn đề tiêm mũi bổ sung cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 trở thành đề tài tranh cãi giữa FDA và các quan chức y tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trước đó, Nhà Trắng công bố kế hoạch chuẩn bị tiêm mũi bổ sung vắc xin COVID-19 trong mùa thu này.

Trong 23 trang tài liệu đánh giá về đề nghị từ Pfizer, FDA đã xem xét dữ liệu về độ an toàn cũng như hiệu quả miễn dịch của 300 người trưởng thành được tiêm liều nhắc lại vắc xin Pfizer-BioNTech. Những người này đã tiêm mũi thứ ba cách mũi thứ hai 6 tháng.

Theo FDA, dữ liệu từ 300 trường hợp này cho thấy phản ứng miễn dịch của những người tham gia có tăng lên, thậm chí chống lại được các biến thể nguy hiểm của COVID-19.

FDA cũng ghi nhận không có rủi ro lớn về độ an toàn của mũi tiêm bổ sung.

Dù vậy, FDA nhận định ngoài lý do khả năng miễn dịch giảm đi, các biến thể mới như Delta cũng có thể là lý do gây ra các ca bệnh đột phá - tức những người đã tiêm đầy đủ vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh.

FDA lưu ý dữ liệu của Pfizer về khả năng miễn dịch trước biến thể Delta chỉ được thống kê trên khoảng 20 người.

“Nhìn chung, dữ liệu cho thấy các vắc xin COVID-19 được cấp phép và phê duyệt sử dụng tại Mỹ vẫn bảo vệ người dân Mỹ khỏi các ca bệnh COVID-19 nặng hoặc tử vong”, báo Wall Street Journal trích báo cáo của FDA.

Ngoài ra, FDA cho rằng chính quyền Biden cần thận trọng khi cân nhắc các nghiên cứu từ phía Israel - quốc gia đang tiến hành tiêm nhắc lại cho người dân.

“Dù các nghiên cứu giúp chúng ta hiểu hiệu quả (của vắc xin) trong thực tế, nhưng vẫn tồn tại một số thành kiến có thể ảnh hưởng tới độ tin cậy của chúng”, FDA nêu.

Cơ quan này nhấn mạnh các nghiên cứu tại Mỹ “mới thể hiện chính xác nhất hiệu quả của vắc xin đối với người dân Mỹ”.

Việc FDA đưa ra quan điểm chưa cần tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 là tín hiệu vui đối với nhiều nước nghèo và đang phát triển. Khi không tiêm liều vắc xin bổ sung, các nước giàu như Mỹ sẽ dôi dư nhiều vắc xin để nhượng lại hoặc viện trợ cho các quốc gia đang khát vắc xin.

Moderna ủng hộ tiêm mũi bổ sung

Hãng dược Moderna đã công bố số liệu vào ngày 15-9, tuyên bố ủng hộ tiêm liều bổ sung vắc xin COVID-19.

The Đài CNBC, nghiên cứu của Moderna phát hiện rằng sau khi được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ, nhóm người tham gia được tiêm gần đây có tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn những người tiêm từ trước.

Nói cách khác, nghiên cứu này cho rằng khả năng miễn dịch với COVID-19 của những người tiêm trước đã bắt đầu giảm xuống.

Cụ thể, Moderna phát hiện 88 ca nhiễm đột phá trong số 11.431 được tiêm từ khoảng tháng 12-2020 đến tháng 3-2021.

Để so sánh, hãng dược này phát hiện 162 ca nhiễm đột phá trong số 14.746 người được tiêm từ tháng 7-2020 đến tháng 10-2020.

Bên cạnh đó, số ca bệnh nặng trong nhóm được tiêm chủng gần đây cũng ít hơn. Hai trong số ba bệnh nhân nhập viện trong nhóm được tiêm chủng sớm hơn đã tử vong.

Theo nghiên cứu của Moderna, nhóm tiêm chủng gần đây chưa có trường hợp nào tử vong hoặc phải nhập viện.

Pháp vượt Mỹ về tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 sau khởi đầu chậm chạpPháp vượt Mỹ về tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 sau khởi đầu chậm chạp

TTO - Khi mới triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19, Pháp gặp hai rào cản về nguồn cung và tâm lý e ngại vắc xin. Nhưng giờ đây, Pháp đã vươn lên ngang hàng với Anh và vượt qua Mỹ về tỉ lệ tiêm vắc xin. Họ đã làm điều đó như thế nào?

Nguồn bài viết