‘Cơ chế hỗ trợ kinh tế tư nhân không phục vụ lợi ích nhóm'

3 năm trước 355

Phát biểu tổng kết “Đối thoại 2045”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết có 5 vấn đề được chương trình đối thoại đặt ra.

Thứ nhất là con người và công nghệ, trong đó cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Thứ hai là cần quan tâm đổi mới thể chế, tạo điều kiện cho DN phát triển. Thứ ba là trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình DN, giải phóng nguồn lực cho người dân, các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Thứ tư là huy động nguồn nhân lực phục vụ phát triển, gắn liền với khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ môi trường và không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ năm là phải bảo vệ bản sắc văn hóa Việt Nam.

Theo Thủ tướng, DN đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và càng tự lực tự cường. Trong thời đại ngày nay mục tiêu của DN không chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Cộng đồng DN lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII mới đây của Đảng.

Theo đó, tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách.

 ‘Cơ chế hỗ trợ kinh tế tư nhân không phục vụ lợi ích nhóm' - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại chương trình "Đối thoại 2045". Ảnh: Chinhphu.vn

Các bộ, ngành và địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của DN; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của DN theo cơ chế thị trường. Bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề đã nêu ra.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý không biến các cơ chế hỗ trợ kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ cho "lợi ích nhóm"…

“Vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chúng ta đã hoàn thành "mục tiêu kép" trong năm 2020, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao… Cùng với những đóng góp của cộng đồng DN, chúng ta không thể không nói đến vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, những nhà phân tích kinh tế, các chuyên gia với những phản biện xã hội tâm huyết, trên tinh thần xây dựng, làm cho những giá trị được thức tỉnh, được bảo vệ và được tạo ra" - Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà các thế hệ hôm nay và tương lai có cơ hội đặt nét vẽ lên đó.

Trước đó, tại chương trình đối thoại, ông Trương Gia Bình (thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) kêu gọi từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường.

 ‘Cơ chế hỗ trợ kinh tế tư nhân không phục vụ lợi ích nhóm' - ảnh 2Ông Trương Gia Bình. Ảnh: Chinhphu.vn

Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang DN, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng… Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng DN, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

“Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - ông Trương Gia Bình nói.

Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam Dương Công Minh cho biết, để cùng đất nước phát triển trong thời gian tới, cũng như hướng tới cột mốc năm 2045, Chính phủ, cộng đồng DN cần nỗ lực, hình thành nhiều ngành nghề mới có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến kinh tế, trong đó có ngành macca.

Theo ông Minh, nông sản Việt Nam luôn trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, do đó, nông sản cần phải hình thành chuỗi cung ứng khép kín, nhất là nông sản có lợi thế như cây macca. Macca vừa là cây rừng, cây lâm nghiệp, công nghiệp, môi trường, bởi lượng xử lý CO2 của cây này rất lớn. Cùng với đó, cây macca cũng là cây xóa đói giảm nghèo, cây phục vụ an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, bởi cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao cũng như thích hợp trồng ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên.

“Hiện nay, nguồn lực phát triển cây macca còn rất lớn, với 1 triệu ha có thể trồng ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Để hỗ trợ việc phát triển cây macca, riêng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thời gian qua đã có sản phẩm tín dụng cho cây macca, theo chuỗi sản xuất và vòng đời sản phẩm. Chi phí đầu tư 300 triệu/ha, 5 năm người trồng đã có thu hoạch và hồi vốn. Từ năm thứ 6 thu được 300-500 triệu/ha” - Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam cho biết.

Để phát triển mạnh được cây macca trong thời gian tới, ông Dương Công Minh đề xuất Chính phủ có chính sách đất đai để phát triển cây macca, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng được 300.000 ha có giá trị xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD.

Theo Chủ tịch TH True Milk Thái Hương, đến năm 2045, để trở thành một quốc gia phát triển với môi trường được bảo vệ, xã hội an lành, nền tảng con người phải có trí tuệ, sức khỏe thì Việt Nam phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.

 ‘Cơ chế hỗ trợ kinh tế tư nhân không phục vụ lợi ích nhóm' - ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các trí thức, doanh nhân tham gia đối thoại. Ảnh: Chinhphu.vn

Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho rằng khát vọng trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, đặt ra rất nhiều thách thức nhưng Việt Nam có những nguồn lực, động lực để biến khát vọng thành hiện thực nếu trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sứs khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách.

“Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới” – bà Thảo đề xuất.

Ông Don Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho rằng, hướng tới 2045, Việt Nam cần phát huy nội lực để đón ngoại lực phục vụ xây dựng đất nước.

 “Việc xây tổ đón đại bàng đang là vấn đề lớn cho tất cả các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm những sự chuẩn bị về tài nguyên, đất đai, năng lượng, nhân lực, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn, có tâm huyến với Việt Nam” - ông Don Lam nói và đề xuất Chính phủ quan tâm việc kết nối giữa hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội giữa các tỉnh, thành phố, giúp hàng hóa lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí đồng thời kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất với các thành phố và khu dân cư vệ tinh để tạo điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ chuyên gia, người lao động.

 
Nguồn bài viết